leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Rapixel.com

Về vấn đề này, pháp luật đã quy định:

1. Thời điểm lập hợp đồng hôn nhân: Hợp đồng hôn nhân được lập giữa vợ - chồng trước khi kết hôn. Và khi đó, các bên mong muốn thiết lập chế độ tài sản chung - riêng theo sự thống nhất của đôi bên. Nếu không thiết lập hợp đồng hôn nhân thì vấn đề tài sản sẽ được thiết lập theo quy định. Cụ thể, tài sản có trước hôn nhân của bên nào thì thuộc về bên đó. Tài sản tạo lập trong thời kỳ hôn nhân sẽ là tài sản chung, ngoại trừ tài sản được thừa kế, tặng cho riêng, hoặc tài sản được bên còn lại xác nhận là tài sản riêng của người kia. 

Hợp đồng hôn nhân mang đến sự lựa chọn cho người trong cuộc về việc công nhận của các bên đối với vấn đề tài sản của hai người khi chính thức nên duyên chồng vợ.

2. Cách thức để thiết lập hợp đồng hôn nhân: Theo quy định pháp luật, hợp đồng hôn nhân phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực mới có giá trị pháp lý. Những hình thức khác, không là cơ sở để xem xét về sau.

3. Thỏa thuận gì trong hợp đồng hôn nhân: Hợp đồng hôn nhân cho bạn cơ hội được thỏa thuận nguyên tắc xác nhận tài sản nào là tài sản chung, tài sản nào là tài sản riêng. Chẳng hạn: Tài sản có trước hoặc trong thời kỳ hôn nhân của bên nào thì là của riêng bên đó; tài sản có trước hoặc trong thời kỳ hôn nhân của bên nào thì cũng là của chung; tài sản của anh cũng là của em nhưng tài sản của em thì vẫn của riêng em; tài sản của em cũng là của anh nhưng tài sản của anh thì vẫn của riêng anh (…). Hợp đồng còn có thể ghi nhận quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với khối tài sản chung, riêng, các giao dịch có liên quan; điều kiện và nguyên tắc phân chia thế nào.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Jcomp 

Như vậy, có được thỏa thuận “Nếu cưới nhau về mà anh (hoặc em) ngoại tình thì người ngoại tình ra đi trắng tay, không được quyền nuôi con” hay không?

Pháp luật ghi nhận việc thiết lập chế độ tài sản và nguyên tắc phân chia nó. Tuy nhiên, việc lập hợp đồng ghi nhận tình huống “ngoại tình” dẫn đến trắng tay và mất quyền nuôi con thì không phù hợp quy định pháp luật. Vì vậy, đây là thỏa thuận mang tính cảm tính và việc thiết lập nó dẫn đến vô hiệu về sau.

Đơn cử như tình huống liên quan đến con, hợp đồng hôn nhân hướng đến đối tượng điều chỉnh là tài sản, việc thỏa thuận về con là việc pháp luật không thừa nhận. Và vì thế, sẽ không có thỏa thuận nào được thiết lập, công chứng, chứng thực trong trường hợp này. Và nếu có một nơi nào đó thực hiện thì về sau vẫn không có giá trị pháp lý.

Hiểu về chế độ tài sản theo hợp đồng, thể hiện thông qua hợp đồng hôn nhân để lựa chọn nếu muốn, hiểu để thiết lập đúng hình thức, hiểu để ghi nhận nội dung phù hợp quy định pháp luật. Khi cả hai đã cạn tình là câu chuyện của con tim, mà đôi khi, địa bàn của “con tim” thì “pháp luật” không với tới được.

Hãy vun vén, xây dựng để con tim dẫn lối trong hành xử. 

Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như

Theo phunuonline