Lựa chọn khó khăn 

Phần lớn mọi người thường thắc mắc: “Tại sao các nạn nhân bạo hành gia đình hoặc bạo lực tình dục không rời bỏ kẻ tấn công?”. Theo Cassandra Wiener - giảng viên cao cấp về luật tại Đại học London (Anh) - đây là câu hỏi khó trả lời và phụ thuộc vào những trở ngại thực tế và rất nhiều cảm xúc phức tạp mà nạn nhân bị bạo hành phải trải qua.

Những phụ nữ là nạn nhân của bạo hành cần được cảm thông và hỗ trợ để có thể tự tin lựa chọn rời bỏ mối quan hệ tệ hại - ẢNH: SHUTTERSTOCK
Những phụ nữ là nạn nhân của bạo hành cần được cảm thông và hỗ trợ để có thể tự tin lựa chọn rời bỏ mối quan hệ tệ hại - ẢNH: SHUTTERSTOCK

 

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, kẻ bạo hành sẽ kiểm soát nạn nhân bằng cách hạn chế họ tiếp cận với gia đình và bạn bè, tiền bạc và phương tiện đi lại, từ đó cô lập nạn nhân và khiến họ không dám chống cự. Đối với các nạn nhân có con nhỏ, những rào cản thực tế và tâm lý trong việc chấm dứt một mối quan hệ tiêu cực có thể chồng chéo lên nhau. Họ cũng cảm thấy tội lỗi trước viễn cảnh buộc các con rời xa gia đình, bạn bè và chọn tha thứ cho kẻ bạo hành vì không nhìn thấy lựa chọn nào khác.

Bạo hành gia đình và bạo lực tình dục có thể xảy đến cho bất kỳ ai, tại mọi xã hội hay nền văn hóa. Theo một phân tích toàn cầu do các nhà nghiên cứu từ Đại học McGill (Canada) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dẫn đầu, 27% phụ nữ trên toàn thế giới từng phải trải qua bạo hành trước tuổi 50.

Tiến sĩ Alison Gregory - chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Bristol (Anh) - cho biết: “Dù xã hội đã có những thay đổi trong 50 năm qua, nhiều nạn nhân bạo hành vẫn cảm thấy xấu hổ khi chia sẻ câu chuyện của mình hoặc lựa chọn chấm dứt một mối quan hệ. Họ không muốn phơi bày bản thân trước dư luận và nhận sự phán xét từ người khác”.

Theo tiến sĩ Alison Gregory, tình yêu cũng có thể là lý do khiến phụ nữ mắc kẹt trong một mối quan hệ bạo hành. Các nạn nhân có thể nhận được câu hỏi từ người thân, bạn bè rằng, “làm sao họ vẫn có thể yêu kẻ vũ phu kia sau những gì hắn đã làm?”. Điều này khiến nhiều phụ nữ chọn cách im lặng về những cảm xúc còn sót lại vì cảm thấy chính bản thân là người có lỗi. Do đó, những nạn nhân bạo hành cần được thấu hiểu và hỗ trợ để bước ra khỏi mối quan hệ tệ hại mà họ đang phải chịu đựng.

Bước đi trên con đường mới 

Tại Tây Ban Nha, Macarena García Pérez là nạn nhân của bạo lực gia đình trong suốt 23 năm. Mô tả về tình trạng bạo lực mà mình phải chịu đựng, Macarena chia sẻ: “Tôi đã phải chịu đựng sự lạm dụng thể chất, tâm lý, kinh tế, tình dục, xã hội… và mọi thứ. Bạo hành tâm lý là tồi tệ nhất bởi vì bạn không thể chứng minh rằng nó hiện hữu và cũng cần rất nhiều nỗ lực để vượt qua tất cả những tổn thương”. Hiện chồng của Macarena đang ở tù và cô đang làm việc tại một khách sạn. Cô chuẩn bị mở một nơi trú ẩn cho những chú chó lang thang, mang đến cho chúng tình yêu thương và sự chăm sóc. Theo Macarena, dành thời gian cho động vật cũng là một liệu pháp chữa lành. 

Một nạn nhân khác của bạo lực gia đình tại xứ sở bò tót là Ana Bella Estévez. Sau khi cùng con chạy trốn khỏi người chồng bạo lực, cô đã thành lập một quỹ giúp đỡ những phụ nữ trải qua hoàn cảnh tương tự. Cô nói: “40% phụ nữ không nhận ra họ là nạn nhân của bạo hành hoặc lạm dụng. Chúng tôi đào tạo nhân viên để họ có thể góp phần chống lại bạo lực trên cơ sở giới, xác định nạn nhân vô hình và giúp họ phá vỡ sự im lặng. Lỗi lầm không thuộc về phụ nữ”.

Quỹ Ana Bella quy tụ 30.000 phụ nữ tại 82 quốc gia, không ngừng giúp đỡ các nạn nhân của bạo lực giới thông qua hỗ trợ pháp lý và tâm lý, cũng như tổ chức các hội thảo về phòng chống bạo lực.

Fair Anita là một công ty thời trang có trụ sở tại bang Minnesota (Mỹ) chuyên phân phối đồ trang sức, quần áo, túi xách và các sản phẩm khác do những phụ nữ bị bạo hành sản xuất. Họ đang làm việc với 8.000 phụ nữ ở 16 quốc gia, thiết lập một mạng lưới hợp tác xã thủ công toàn cầu nhằm giúp phụ nữ độc lập về tài chính, đem đến cho họ lòng tự trọng và điều kiện để có thể rời bỏ người bạn đời bạo lực.

Doanh nghiệp xã hội này do Joy McBrien thành lập, sau trải nghiệm đau thương của chính cô về nạn quấy rối tình dục. Thông qua Fair Anita, McBrien muốn tác động tích cực đến những nạn nhân của bạo hành, quấy rối tình dục trên khắp thế giới.

Người phụ nữ 34 tuổi giải thích: “Sự bất an về tài chính là lý do chính khiến phụ nữ chịu thiệt thòi trong các mối quan hệ tệ hại. Đó là lý do tại sao Fair Anita trả cho những người thợ thủ công nữ gấp 3 lần mức lương tối thiểu”. Để tiếp tục trao quyền cho phụ nữ, Fair Anita cũng đầu tư vào việc phát triển các kỹ năng cho nhân viên, thợ thủ công về thiết kế, kinh doanh và lãnh đạo thông qua các hoạt động như hội thảo, cố vấn và các sự kiện kết nối. 

Theo phụ nữ TPHCM