Gần 10 năm nay, bà Liên vẫn cầm đơn đi "gõ của" nhiều cơ quan chức năng để xin cấp sổ đỏ
cho mảnh đất của gia đình.

Trong đơn gửi Báo PNVN, Mẹ VNAH Phạm Thị Liên (SN 1925), trú tại thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thuỷ (Nam Định) phản ánh, suốt nhiều năm nay bà đã “gõ cửa” rất nhiều cơ quan chức năng để xin được cấp GCNQSDĐ (sổ đỏ). Tuy nhiên, đến nay gia đình bà vẫn bị chính quyền địa phương “từ chối” tiến hành cấp sổ đỏ với những lý do bất hợp lý.

Trong nội dung đơn thư ghi rõ, năm 1960 bà Phạm Thị Liên đã cùng chồng là ông Phan Văn Khoa (người chồng thứ 2, hiện đã mất) mua lại mảnh đất (hiện tại) của một người dân ở xã Giao Sơn để làm nhà ở và trồng trọt.

Thửa đất này là đất cá thể, trước đây thuộc bản đồ địa chính xã Bình Hoà, sau đó được chuyển về thị trấn Ngô Đồng quản lý và từ đó đến nay, gia đình vẫn tiến hành canh tác trên mảnh đất này, chưa hề có tranh chấp với ai về quyền sử dụng, cũng như các vấn đề liên quan.

Và theo mô tả tại tờ bản đồ số 11 (năm 1995) thì thửa đất này là thửa đất số 206, diện tích 6.150m2 (trong đó gồm 360m2 đất ở; 1.105m2 đất vườn; 1.375m2 đất ao và 3.310m2 đất hai lúa.
Trước đó, ngày 16/12/1992, Chi cục quản lý ruộng đất Nam Hà cũng đã tiến hành đo đạc đất lập bản đồ hành chính tỉ lệ 1/1.000 và đã thu lệ phí đo đạc).

Xác nhận của UBND xã Bình Hoà chứng nhận diện tích đất gia đình bà Liên sử dụng ổn định
từ 1960 đến này.

Năm 1999, để phục vụ công trình chi nhánh điện lực huyện Giao Thuỷ nên UBND tỉnh Nam Định đã ra Quyết định thu hồi diện tích khoảng 757m2 và được gia đình đồng ý. “Thời điểm sau khi gia đình tôi nhượng một phần đất cho chi nhánh điện làm công trình thì ngõ đi lại của gia đình cũng bị mất, dù không được đền bù về đất nhưng chính quyền thị trấn Ngô Đồng vẫn không cấp lại đất để làm ngõ mới cho gia đình để đi lại. Lúc đó không còn cách nào khác gia đình phải thuê người tự đắp đường lấy lối đi lại để vào nhà mà không đòi hỏi bất cứ một lợi ích nào”, bà Liên kể lại.

Năm 2008, do nhu cầu về giấy tờ đất để vay vốn nên gia đình bà đã làm đơn xin gửi UBND thị trấn Ngô Đồng đề nghị được cấp sổ đỏ cho mảnh đất nói trên nhưng không nhận được câu trả lời từ chính quyền địa phương.

Đến tháng 9/2010, gia đình bà Liên tiếp tục làm đơn lần thứ 2 đề nghị cấp giấy CNQSDĐ, tuy nhiên vẫn không được chính quyền địa phương đồng.

“Theo quy định của Luật Đất đai thì đối với mảnh đất gia đình tôi sử dụng ổn định từ trước năm 1993 và không có tranh chấp về quyền sử dụng, không nằm trong phần đất quy hoạch của địa phương thì hoàn toàn đủ điều kiện để được cấp Giấy CNQSDĐ theo đúng Hướng dẫn 1456/HD-STN&MT Nam Định. Thế nhưng, gia đình vẫn không hiểu tại sao chính quyền vẫn không đồng ý cấp sổ đỏ cho gia đình tôi”, ông Phan Văn Nhất (con trai bà Liên) bức xúc.

Không đồng ý với việc bị “từ chối” cấp giấy CNQSDĐ nên 9/2014, gia đình bà Liên lại tiếp tục làm đơn gửi chính quyền thị trấn Ngô Đồng, UBND huyện Giao Thuỷ, sở TN&MT tỉnh Nam Định để mong nhận được câu trả lời thoả đáng. 


Tuy nhiên, trong Công văn số 02/CV-UBND thị trấn Ngô đồng vẫn tiếp tục từ chối cấp giấy CNQSDĐ cho gia đình bà Liên với lý do diện tích mảnh đất của gia đình trên 2 tờ bản đồ (bản đồ số 299, năm 1988 và tờ bản đồ số 11 năm 1995) có sự chênh lệch (tăng thêm 3.400m2) và yêu cầu gia đình bà Liên cung cấp giấy tờ chứng minh phần diện tích tăng thêm.

Nói về hiện trạng mảnh đất của gia đình trước kia, bà Liên kể lại: “Gia đình đông con lại không vào hợp tác xã nên để có gạo nuôi con thì tôi đã bàn với chồng sang mua lại mảnh đất ấy để cày cấy, làm nhà ở. Đất đai ngày xưa thoải mái nên cán bộ địa chính đi cắm mốc đo đạc cũng không khắt khe từng mét đất như bây giờ, đặc biệt là nhiều chỗ đất xấu, hố bom, bờ rãnh,… không ai tính vào phần diện tích đóng thuế của người dân, trừ những diện tích đang có tranh chấp thì mới đo đúng".

Cũng theo bà Liên, sở dĩ có việc chênh lệch tăng thêm cũng không khó giải thích và hiện nay gần như nhà nào nếu đo đạc lại thì cũng đều thừa diện tích đất so với thực tế trên bản đồ những năm trước đó. "Ngày xưa đo thủ công nên độ chính xác cũng không cao, nhưng bây giờ chính quyền địa phương lấy cớ do diện tích tăng thêm so với bản đồ để không đồng ý cấp giấy CNQSDĐ là hoàn toàn không hợp lý”, bà Liên bộc bạch.

Chính quyền không đồng nhất về quan điểm

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Doãn Quang Hùng, Trưởng phòng TN&MT huyện Giao Thuỷ. Lý giải lý do không cấp đất đối với trường hợp bà Liên, ông Hùng cho biết: “Phần diện tích tăng thêm (hơn 3.000m2) này là đất công ích của thị trấn Ngô Đồng và gia đình bà Liên đã đấu thầu mảnh đất đó từ năm 1999 rồi sau đó lấn chiếm và yêu cầu địa phương cấp GCNQSDĐ cho toàn bộ (6.150m2) là hoàn toàn không hợp lý.

Chúng tôi sẵn sàng cấp GCNQSDĐ cho gia đình bà với phần diện tích gần 2.000m2 (không bao gồm phần tăng thêm), vấn đề này chúng tôi cũng đã báo cáo huyện và sắp tới sẽ tiến hành cưỡng chế đối với mảnh đất của gia đình bà”.

Sở TNMT tỉnh Nam Định ra văn bản yêu cầu gia đình bà Liên liên hệ với huyện Giao Thuỷ
để được giải quyết.

Tuy nhiên, khi phóng viên yêu cầu được cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc thửa đất tăng thêm (đất công ích, đất đấu thầu – theo lời ông Hùng) để chứng minh phần đất đó không thuộc trường hợp được cấp GCNQSDĐ theo quy định của Luật đất đai và Hướng dẫn số 1456/HD-STN&MT Nam Định thì ông Hùng cho biết là hồ sơ đã bị mất, không còn lưu tại địa phương.

Trao đổi với PV, Doãn Công Kỳ - Chủ tịch UBND thị trấn Ngô Đồng, cho biết: “Việc cấp Giấy CNQSDĐ thuộc thẩm quyền của phòng TN&MT huyện chứ thị trấn chỉ là đơn vị tham mưu và sắp tới chúng tôi cũng sẽ có văn bản gửi huyện đề nghị xem xét lại đối với trường hợp này, nếu được thì cấp cho người ta chứ thị trấn cũng không khó khăn gì. Bởi theo luật thì trường hợp này là đương nhiên được cấp Giấy CNQSDĐ còn cấp loại đất gì, như thế nào thì phải theo đúng quy định pháp luật vì đây là trường hợp được cấp lần đầu nên tôi nghĩ là phải theo trình tự các bước”.

Theo Luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Giám đốc Công ty Luật IPIC - Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội, thì: Theo quy định tại khoản 2-Điều 101, Luật Đất đai 2013 về cấp Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất nhưng nếu mảnh đất đó đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01/7/2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Căn cứ để xác định việc sử dụng đất ổn định được quy định Điều 21 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, căn cứ để xác định việc sử dụng đất ổn định này như sau:

Trường hợp không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều này hoặc trên giấy tờ đó không ghi rõ thời điểm xác lập giấy tờ và mục đích sử dụng đất thì phải có xác nhận của UBND cấp xã về thời điểm bắt đầu sử dụng đất và mục đích sử dụng đất trên cơ sở thu thập ý kiến của những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất của người có yêu cầu xác nhận trong khu dân cư (thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố) mới có đất”.

Đặc biệt đây là đất cá thể và được gia đình sử dụng ổn định từ năm 1960 đến nay, mảnh đất này không có tranh chấp với người sử dụng đất liền kề. Ngoài ra, thửa đất mà gia đình bà đang sử dụng cũng đúng với quy hoạch của địa phương vì các hộ sử dụng đất xung quanh đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

“Như vậy có thể thấy, gia đình bà Liên hoàn toàn đáp ứng được các điều kiện, đủ cơ sở pháp lý theo quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật đất đai 2013 về điều kiện để được cấp GCNQSDĐ”, luật sư Hùng nhấn mạnh.

Được biết, bà Phạm Thị Liên vừa được nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng vào tháng 7/2016, bà Liên có người con trai – liệt sĩ Nguyễn Tường Lân đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1972) và là vợ của liệt sĩ Nguyễn Tường Loan, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1952) và cũng là vợ của thương, bệnh binh Phan Văn Khoa (chồng thứ 2).

PNVN sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này!

Theo Phunuvietnam.vn