Những ‘sứ giả’ của ‘địa ngục’

Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an TP Cần Thơ đã bắt quả tang một số nghi can đang giao nhận tiền cùng các giấy tờ liên quan đưa phụ nữ Việt Nam xuất cảnh sang Trung Quốc để kết hôn, gồm: Nguyễn Thị Hồng Anh (29 tuổi, ngụ xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), Nguyễn Thị Bảnh (61 tuổi, ngụ xã Trường Long), Nguyễn Văn Nhứt (30 tuổi, ngụ phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TPHCM), Jiang Xuhua (41 tuổi, ngụ Quảng Tây, Trung Quốc) và Wu Kuaifa (31 tuổi, ngụ Giang Tây, Trung Quốc). Những kẻ này đã tìm một số phụ nữ Việt Nam rồi “giới thiệu” để kết hôn với Jiang Xuhua và Wu Kuaifa với giá 120 triệu đồng, song gia đình các “cô dâu” chỉ được nhận 40 triệu đồng. Những kẻ này còn làm giả giấy tờ để làm thủ tục xuất cảnh cho “cô dâu” và bị cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện.

Trần Thị Nít nhận án 7 năm tù vì tội 'Mua bán người'
Trước đó, cuối tháng 1/2016, TAND tỉnh Sóc Trăng đã xét xử và tuyên Trần Thị Nít (29 tuổi, ngụ thị xã Vĩnh Châu) 7 năm tù, Lý Thị Sà Phên (43 tuổi, ngụ Vĩnh Châu) 5 năm tù và Dường Cá Vấy (33 tuổi, ngụ Đồng Nai) 6 năm tù vì tội “Mua bán người”. Theo hồ sơ tố tụng, Jiang Zu Huang (quốc tịch Trung Quốc) sang Việt Nam kết hôn với 1 cô gái 26 tuổi ở Tây Ninh vào năm 2011. Sau một thời gian về nước, năm 2014, Zu Huang trở lại Việt Nam rồi nhờ Vấy và Nít tìm các thiếu nữ dụ dỗ đưa qua Trung Quốc. Mỗi trường hợp thành công, Zu sẽ cho Vấy 5 triệu đồng, Nít 10 triệu đồng. Thông qua một “môi giới chuyên nghiệp” lên Lý Thị Sà Phên (cùng quê với Nít), những kẻ này đã môi giới 2 phụ nữ để Zu “coi mắt”. Sau khi đưa sang Trung Quốc, Zu bán 2 cô gái Việt cho những người đàn ông Trung Quốc để lấy khoảng 220 triệu đồng. Sau đó, những “cô dâu bất đắc dĩ” này đã tìm cách trốn về Việt Nam rồi đến công an trình báo vụ việc.

Vào tháng 10/2015, Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt giữ 2 đối tượng lừa bán nhiều cô gái qua biên giới là Lý Cảnh Dzếnh (43 tuổi, ngụ xã Phú Lợi, huyện Định Quán, Đồng Nai) và Trương Thị Thùy Linh (51 tuổi, ngụ xã Thanh Sơn, huyện Định Quán). Dzếnh vốn hành nghề buôn bán nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc nhưng vì thấy việc “buôn người” kiếm được tiền nhiều và dễ hơn, nên đã bắt mối với 1 phụ nữ tên Sáu (chưa rõ lai lịch) sống ở Trung Quốc và Linh, cùng nhau lừa bán 5 phụ nữ Việt qua biên giới, mỗi phi vụ Dzếnh được trả công 40 triệu đồng.

Hồi chuông báo động!

Số vụ phụ nữ Việt Nam bị dụ dỗ và lừa bán qua Trung Quốc đang có chiều hướng tăng lên, đó là điều rất đáng lo ngại. Theo Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), giai đoạn 2011-2015 trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã phát hiện 1.543 vụ lừa bán 3.146 nạn nhân. Trong số này, có 85% nạn nhân là phụ nữ và trẻ em. Một số người Trung Quốc sang tìm cách dụ dỗ phụ nữ Việt Nam lấy chồng Trung Quốc hoặc đưa đàn ông Trung Quốc sang Việt Nam dưới danh nghĩa đi du lịch để tìm vợ. Thực tế, đa số đàn ông Trung Quốc nói trên đều có hoàn cảnh khó khăn nên phần lớn phụ nữ Việt Nam kết hôn với những người này thường bị bóc lột cả tình dục và sức lao động.

Trong khoảng 10 năm qua, số lượng cô dâu nước ngoài, trong đó phần đông là người Việt Nam đã được đưa đến những làng quê hẻo lánh ở Trung Quốc tăng nhanh. Mỗi “chú rể Trung Quốc” phải trả khoảng 18.055 USD cho 1 vụ môi giới hôn nhân “chắc chắn” với 1 cô dâu Việt Nam. Bên mai mối nhận số tiền này và chỉ chuyển ít tiền đặt cọc cho phía nhà cô dâu ở Việt Nam.

Không chỉ bị dụ dỗ và buôn bán mà nhiều cô gái Việt Nam còn phải đối mặt với nguy cơ bị bắt cóc khi đang sinh sống tại Trung Quốc. Vào năm 2011, cảnh sát Trung Quốc đã chính thức mở cuộc điều tra về số phận của khoảng 100 cô dâu người Việt - những người được cho là đã bị bắt cóc và bán sang Trung Quốc. Số cô dâu này phần lớn ở các tỉnh Vân Nam, Hồ Nam, đột nhiên bị “mất tích” bí ẩn và sau đó được cho là bị một số người bắt cóc để tiếp tục bán cho những người đàn ông ở các nơi khác để thu lợi bất chính.

Tờ Tin tức tuần Trung Quốc phỏng vấn 20 cô dâu Việt Nam cho thấy, nhiều cô bị cung cấp thông tin sai về hoàn cảnh gia đình chồng, chưa kể một số cô dâu trở thành đối tượng bị buôn bán. Tình trạng một số phụ nữ Việt Nam có nguy cơ bị “bẫy” để đưa sang “làm dâu” ở Trung Quốc là điều rất đáng lo ngại, bởi nó có thể để lại những di chứng lâu dài đối với các lĩnh vực kinh tế, trật tự xã hội và văn hóa ở các địa phương thuộc “điểm nóng”. Hơn hết, nó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ nghiêm trọng đối với chính bản thân những người phụ nữ - khi họ trở thành nạn nhân của những vụ bán buôn không còn nhân tính.

Giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc khó có thể chấm dứt vấn nạn “khát vợ” của đàn ông vì tỉ lệ chênh lệch nam nữ ở quốc gia này đang ngày càng trầm trọng. Dự báo trong 5 năm tới (2020), ước tính mức chên lệch nam giới - phụ nữ ở Trung Quốc sẽ tăng lên tới hơn 33 triệu - có nghĩa chừng đó đàn ông không có cơ hội lấy vợ bản địa.

Phụ nữ Việt Nam