Ngày 27/5, mạng xã hội lan truyền đoạn clip dài 8 phút ghi lại cảnh ân ái của một đôi nam nữ. Chưa đầy một giờ, hàng trăm bài đăng với những từ khóa như "clip 8 phút", "nữ diễn viên lộ clip nóng", "clip bồn tắm"... tràn ngập trên hàng chục hội nhóm, diễn đàn.

Bên dưới phần bình luận, hàng nghìn người dùng mạng xã hội liên tục "chấm hóng", "xin link". Cuộc truy tìm danh tính của nữ diễn viên xuất hiện trong đoạn video cũng nhanh chóng bắt đầu.

Không lâu sau đó, thông tin từ tên, tuổi, nghề nghiệp, hình ảnh cho đến trang cá nhân của cô gái ấy đã bị phát tán khắp nơi. Kèm theo đó là những status, bình luận công kích, miệt thị và đổ lỗi.

                       Nạn nhân trong các vụ quấy rối tình dục, trả thù khiêu dâm bị đổ lỗi thay vì được bảo vệ. Ảnh: iStock.


Cô gái trong câu chuyện trên từ nạn nhân đã bị biến thành đối tượng để đám đông tấn công, hạ bệ.

Đổ lỗi nạn nhân (victim blaming) là khái niệm chẳng còn xa lạ gì nhưng luôn là vấn nạn gây nhức nhối trong các vụ án quấy rối, lạm dụng tình dục, trả thù khiêu dâm, phát tán clip nhạy cảm.

Khi hình ảnh, video nhạy cảm của một người phụ nữ xuất hiện trên mạng xã hội mà không có sự đồng ý của nạn nhân, phần lớn sẽ thắc mắc rằng tại sao cô ấy lại chủ động quay chụp ngay từ đầu. Ít ai đặt câu hỏi về người đã đứng đằng sau và phát tán chúng.

Lối nghĩ vô cảm, đầy định kiến


Theo bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW), nữ diễn viên bị phát tán clip nhạy cảm mới đây hoàn toàn không có lỗi gì và theo pháp luật, cô gái chính là nạn nhân cần được bảo vệ.

"Mọi người có quyền quay và lưu trữ clip như vậy trong không gian riêng tư của họ. Không gian riêng tư có thể được hiểu là nhà riêng, máy tính, điện thoại cá nhân. Quyền bảo vệ bí mật đời tư đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013", bà Hà nói với Zing.

Tuy nhiên, giám đốc Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ cũng nhận định rằng việc nhận thức cũng như bảo vệ quyền riêng tư ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

                       Hành vi phát tán clip nhạy cảm, riêng tư của người khác lên mạng xã hội là vi phạm pháp luật. Ảnh: Getty.


Hơn nữa, trong các vụ phát tán clip nhạy cảm, mọi người thường nhìn vấn đề dưới lăng kính đạo đức mang tính truyền thống mà chưa nhìn dưới góc độ quyền con người, ở đây là quyền riêng tư được Hiến pháp và luật pháp của Việt Nam bảo hộ.

"Ngoài ra, việc chỉ trích, bêu rếu nạn nhân trong những trường hợp này là dễ dàng hơn vì đã có gương mặt cụ thể, nhất là những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Trong khi đó, lên án người vi phạm lại khó khăn hơn vì mất quá trình điều tra để biết họ là ai", bà Hà cho biết.

Đồng tình với quan điểm này, đại diện Nhà Nhiều Cột, chiến dịch xã hội do CARE Quốc tế tại Việt Nam và Tuva Communication thực hiện nhằm hướng đến bình đẳng giới, cho rằng những bình luận đổ lỗi nạn nhân như "đã quan hệ tình dục còn quay clip lại" nên khi clip bị phát tán cũng "đáng đời" thể hiện lối suy nghĩ vô cảm, đầy định kiến.

"Một lần nữa sự việc cho thấy vấn nạn đổ lỗi cho nạn nhân vẫn còn tồn tại trong xã hội. Nhìn rộng hơn, bình đẳng giới thực chất - khi quyền của nam giới và nữ giới đều phải được công nhận và thực thi mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào - vẫn chưa thực sự được đảm bảo".

Hùa nhau công kích nạn nhân trên mạng xã hội


Tuy không phải phiên tòa phân xử đúng sai, mạng xã hội, với đặc tính lan tỏa thông tin nhanh chóng, lại có tác động rất lớn đến những vụ việc gây tranh cãi. Không ít trường hợp đã chứng minh sức mạnh của cộng đồng mạng giúp người bị hại tìm lại công bằng.

Thế nhưng, nạn nhân trong các sự việc bị phát tán hình ảnh, clip "nóng" thường không nhận được sự hỗ trợ tương tự. Thay vào đó, họ phải chịu sự dè bỉu, miệt thị từ những người lạ mặt trên Internet, thậm chí bị một số đối tượng tiếp tay lan truyền ảnh, video riêng tư.

Nói cách khác, vấn nạn victim blaming chẳng khác nào một làn sóng tấn công mạnh mẽ thứ hai gây thương tổn tâm lý cho nạn nhân - người vốn đang sợ hãi, tuyệt vọng khi bị xâm hại quyền riêng tư, đánh mất danh dự và lòng tự trọng. Mỗi like, share clip nóng là thêm một lần xâm hại nạn nhân.

"Những lời công kích cá nhân từ cộng đồng mạng hoàn toàn có thể đẩy một người vào bức đường cùng, khiến họ nảy sinh những hành vi tiêu cực, thậm chí là quyên sinh", đại diện của chiến dịch Nhà Nhiều Cột cho biết.

                       Những nút like, share hay bình luận thiếu suy nghĩ có thể đẩy nạn nhân đến bước đường cùng. Ảnh: Getty.


Mỗi nút like, chia sẻ hay lời bình luận ác ý tưởng chừng nhỏ bé, thậm chí bị người đăng lãng quên ngay lập tức, lại có tác động khôn lường tới nhiều đối tượng, nhất là những nạn nhân bị quấy rối, lạm dụng tình dục hoặc trả thù khiêu dâm.

Đặc biệt, ít ai lường trước được những áp lực vô hình mình gián tiếp gây ra có thể làm hại cuộc đời của một người xa lạ.

"Rõ ràng vấn đề không phải nằm ở mạng xã hội, mà là ý thức của những người sử dụng nó. Họ chưa nắm rõ quyền riêng tư của người khác, cũng như thiếu ý thức bảo vệ nạn nhân. Việc tối thiểu họ có thể làm là không xem và tiếp tục phát tán những hình ảnh, video như vậy”, bà Thu Hà nhận định.

Nếu mạng xã hội là không gian tiếp tay cho hành vi đổ lỗi, theo bà Hà, chính nó cũng nên là nơi lên án hành vi phát tán bí mật đời tư người khác, đồng thời giáo dục công chúng về quyền riêng tư cá nhân và kêu gọi các nhà chức trách vào cuộc để điều tra.

"Trước mắt cần thực hiện các chương trình giáo dục về quyền con người, tôn trọng quyền riêng tư của mỗi cá nhân. Và thay vì đặt câu hỏi nạn nhân cần làm gì, ta nên đặt câu hỏi các cơ quan chức năng và các tổ chức đoàn thể phải hành động ra sao. Theo đó, cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra và lên án hành vi phát tán clip cũng như hỗ trợ tư vấn tâm lý nếu nạn nhân có nhu cầu", chuyên gia nêu ý kiến.

Theo Zing