Trung Quốc yêu cầu bắt buộc các cặp vợ chồng muốn hoàn tất thủ tục ly hôn sẽ phải trải qua quá trình kéo dài 30 ngày để suy xét lại quyết định của mình, theo South China Morning Post. Đây được coi là nỗ lực của chính phủ Trung Quốc để giảm thiểu tỷ lệ ly hôn đang tăng vọt ở quốc gia này.
Quy định này bắt đầu có hiệu lực vào năm tới. Trong quãng thời gian một tháng, các đôi có quyền rút lại đơn xin ly hôn. Sau thời gian chờ đợi, nếu quyết định vẫn như cũ, hai bên sẽ đến nhận các loại giấy tờ, thủ tục cần thiết để kết thúc hôn thú.
Điều khoản này không áp dụng cho các cặp vợ chồng có tiền sử bạo lực gia đình, hay hành vi ngoại tình bởi thông thường, những cặp này thường giải quyết ly hôn thông qua các vụ kiện.
Từ năm tới, các cặp đôi muốn chính thức ly dị sẽ phải trải qua quá trình 30 ngày suy nghĩ lại.
Trả lời tờ 21 Business Century Herald, Li Shaoping, phó chánh án của Tòa án Nhân dân Tối cao, nói rằng chuyện chia tay, ly hôn là quyền tự do của mỗi người. Song, việc các đôi vợ chồng đưa nhau ra tòa một cách bồng bột, thiếu suy nghĩ kĩ sẽ gây tác động, ảnh hưởng xấu đến xã hội.
“Mục tiêu của giai đoạn ‘giảm nhiệt ly hôn’ là để mọi người thận trọng cân nhắc lại. Không ai muốn thấy một gia đình bị chia cắt chỉ vì những mâu thuẫn, bất đồng bộc phát. Vì vậy, quá trình suy nghĩ lại cho thấu đáo là hợp lý và cần thiết”, ông cho hay.
Tại Trung Quốc, số vụ ly hôn tăng mỗi năm trong vòng hai thập kỷ qua. Năm ngoái, 4,15 triệu cặp ly hôn so với con số 9,47 triệu cặp kết hôn. Năm 2003, thời điểm ly hôn được cho phép khi có sự đồng ý của cả hai bên, 1,3 triệu cặp vợ chồng đã chấm dứt cuộc hôn nhân của họ.
Tuy nhiên, cách thức này gây ra lắm tranh cãi và phản đối ngay từ lần đầu tiên đề xuất.
“Quy định này thực sự chỉ làm nhiều trở ngại thêm. Phía bên không muốn ly hôn, thường là đàn ông, sẽ có thêm thời gian quấy rối, làm phiền người còn lại. Điều này không thực sự giúp ích trong việc bảo vệ quyền phụ nữ”, một người dùng bình luận.
Đề xuất này bị nhiều người chỉ trích là chỉ làm tốn thời gian, không cần thiết.
Tan Fang, giám đốc của Công ty luật FO tại Thượng Hải, cho biết nhiều người trẻ tuổi ly hôn một cách bốc đồng, mà không xem xét kỹ lưỡng các thỏa thuận về con cái hoặc phân chia tài sản.
“Một số phụ nữ đã ly dị sau đó lại tìm kiếm sự trợ giúp pháp lý từ chúng tôi vì tranh chấp với chồng cũ về con cái hoặc tài sản chung của họ”, Fang cho biết.
Trong những năm gần đây, một số cơ quan dân sự đã mở các trung tâm tâm lý hoặc hòa giải ly hôn trong nỗ lực thuyết phục mọi người thay đổi.
“Tại Putuo, Thượng Hải, kể từ năm 2004, khoảng 30% các cặp vợ chồng ban đầu muốn chia tay đã từ bỏ ý tưởng. Mọi người nghĩ quy định này sẽ làm giảm quyền tự do của họ. Trên thực tế, nó chỉ nhằm mục đích giúp mọi người suy xét thấu đáo”, luật sư Fang nói.
Trên thực tế, quy định này đã được áp dụng tại một số quận và thành phố ở Trung Quốc và một số quốc gia khác.
Tại Hàn Quốc, các cặp vợ chồng đã có con sẽ phải chờ đợi 3 tháng trước khi có thể chính thức ly hôn. Với các đôi chưa có con, quãng thời gian chờ đợi là 1 tháng.
Tại Anh và xứ Wales, biện pháp tương tự được đưa ra với mức thời gian là 6 tuần. Ở Pháp, các đôi sẽ phải chờ 15 ngày.
Theo Zing