Đài BBC ngày 30-12 dẫn thông báo của Công ty Mobike cho biết trong năm qua đã có 205.600 chiếc xe đạp được thuê nhưng không quay về bến đỗ, trong đó có cả những vụ trộm xe lẫn gây hư hại cho xe.
Vài năm qua, dịch vụ xe đạp công cộng, thuê qua ứng dụng, đã trở nên phổ biến tại các thành phố trên khắp thế giới. Các công ty như Uber, Lime và Ofo đều đã tham gia vào loại hình kinh doanh này.
Tuy nhiên, tại Trung Quốc, hàng ngàn chiếc xe đạp công cộng đã kết thúc trong các bãi phế liệu, dấy lên câu hỏi về việc liệu người dân có nhu cầu sử dụng chúng hay không.
Công ty Mobike cũng đã gửi lời cám ơn đến 189.000 người dùng đã trình báo các vụ trộm và gây hư hại xe của hãng trong năm qua.
Công ty có trụ sở tại Bắc Kinh này cung cấp dịch vụ cho thuê những chiếc xe đạp màu bạc và cam, có hệ thống chấm điểm tín dụng để thưởng cho những khách hàng có hành vi tốt và phạt những người có hành vi xấu.
Ngoài phạt tiền đối với những người vi phạm quy định của công ty, Mobike cũng cấm cửa dịch vụ đối với một số người có hành vi phạm pháp nghiêm trọng hoặc sẽ báo cáo vụ việc với cảnh sát.
Theo thông tin trên blog của Mobike, cảnh sát Bắc Kinh đã bắt giữ 2.600 người liên quan đến hành vi trộm và gây hư hại xe.
Tại Anh, xe đạp công cộng thường có giá khoảng 1 bảng Anh mỗi 20 phút sử dụng. Thông thường, khách hàng thuê xe để thực hiện các chuyến đi tương đối ngắn qua thành phố và trả lại xe thuê tại một bến đỗ công cộng khi kết thúc hành trình.
Tuy nhiên, một số người lại đem xe về nhà hoặc vứt chúng ở bờ sông, con kênh.
Từ tháng 7-2017 đến tháng 8-2018, cảnh sát tại thành phố Manchester (Anh) đã xử lý hơn 400 vụ liên quan đến xe đạp của hãng Mobike, trong đó có 124 trường hợp liệt vào mục "cố ý phá hoại tài sản và đốt phá tài sản" và 87 vụ trộm xe.
Năm 2018, Công ty Mobike buộc phải rút khỏi thị trường dịch vụ xe đạp thuê ở Manchester vì hàng loạt các vụ tai nạn như trên. Hãng cho thuê xe công cộng này cũng rút khỏi Newcastle và Gateshead (cùng ở Anh) sau khi phát hiện một số xe đạp bị bỏ ở sông Tyne.
Đầu năm 2018, đối thủ cạnh tranh của Mobike là Công ty Gobee của Hong Kong cũng phải rút dịch vụ khỏi châu Âu sau hàng loạt vụ phá hoại xe thuê.
Theo tuoitre