Nhiều trẻ em Trung Quốc bị bạo hành dã man bởi chính cha mẹ ruột.
Đầu tháng 11, một cậu bé 7 tuổi ở Mậu Danh, Quảng Đông (Trung Quốc) nằm trên giường bệnh khoa bỏng, trên người được quấn một lớp gạc dày, phần da bàn tay không còn lành lặn, nhiều chỗ bị nhiễm trùng nặng, thậm chí hoại tử và có thể phải cắt cụt tay.
Những vết thương này do cha ruột của cậu bé gây ra bằng tàn thuốc và bật lửa.
Số phận của một cậu bé 12 tuổi ở tỉnh Hắc Long Giang dường như còn tồi tệ hơn. Ngày 2/11, sau khi lấy trộm 4 chiếc điện thoại di động, cậu bé bị cha "kỷ luật" nghiêm khắc, bị đánh bằng dây điện trong gần 2 tiếng rồi tử vong.
Cách đây không lâu, mạng xã hội Trung Quốc cũng bàng hoàng trước việc một bé gái 6 tuổi bị mẹ ruột và dượng bạo hành ở Phủ Thuận, Liêu Ninh.
Báo cáo thương tích của địa phương cho thấy cô bé bị bỏng nặng, nhiều vết thương trên cơ thể và bị ba cây kim thép dài 5 cm cắm vào đùi phải. Hiện, lưng và tay của bé gái vẫn còn vết bỏng lớn, giữa đầu có vết loang lổ.
Những vụ việc nhẫn tâm khiến nhiều người không khỏi rùng mình và đặt câu hỏi về nguyên nhân của những hành vi man rợ này, nhất là khi thủ phạm và nạn nhân có quan hệ ruột thịt.
Hổ dữ “ăn thịt” con
Tháng 8 vừa qua, cuộc khảo sát dữ liệu do Đại học Phục Đán thực hiện cho thấy có 2.974 bản án liên quan đến bạo hành, lạm dụng trẻ em ở Trung Quốc trong hai thập kỷ qua.
Xét theo các bản án, hung thủ hầu hết là cha mẹ ruột của các nạn nhân.
Vào năm 2012, Zhang Xuemei, cựu giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu và Trợ giúp Pháp lý Thanh niên Bắc Kinh, đã viết trong “Báo cáo điều tra, phân tích và nghiên cứu về các trường hợp bạo lực gia đình ở trẻ vị thành niên” cũng chỉ ra rằng bạo lực chủ yếu xuất phát từ cha mẹ, và bạo lực đơn phương bởi cha mẹ phổ biến hơn.
"Trường hợp như vậy thường xảy ra trong gia đình không đầy đủ thành viên hoặc cha mẹ có vấn đề về tâm lý", Qian Xiaofeng, luật sư từng làm việc với nhiều trường hợp lạm dụng trẻ em, nhận định.
Qian kể một trường hợp cô gái có bố mẹ ly hôn, mẹ cô phẫn uất người chồng cũ nên thường xuyên trút giận lên đầu con gái, đánh cô bằng dây hoặc gậy gỗ.
Theo điều tra của Zhang Xuemei, tỷ lệ các vụ bạo lực gia đình ở thành thị cao hơn nông thôn. Trong khi đó, một số vùng nông thôn hẻo lánh không được chú ý, khiến nhiều vụ xâm hại trẻ em chưa tạo được sự quan tâm trong xã hội.
Theo báo cáo, phần lớn nạn nhân của bạo lực gia đình là trẻ em dưới 10 tuổi, chiếm hơn 80%, trong đó phần lớn là trẻ bị bỏ rơi, trẻ ngoài giá thú, cũng như trẻ vị thành niên có hoàn cảnh gia đình thay đổi như cha mẹ đơn thân, cha mẹ kế...
Trong nhiều gia đình có mối quan hệ bất hòa, trẻ em cũng thường được coi như công cụ để trút giận hoặc trả thù. Trong số đó, bạo lực gia đình do thói hư tật xấu của cha mẹ gây ra cũng không phải là ít.
Hầu hết bậc cha mẹ trong các vụ bạo hành đều tin rằng “con mình sinh ra, mình có quyền dạy, đánh con là chuyện thường”, “con hư đánh chết cũng được”, “con là của riêng mình”, “phải kỷ luật con để răn đe, để người khác không thể kiểm soát được”, cho dù con họ bị thương nặng hoặc qua đời.
Trong nhiều vụ việc được phát hiện, một số cha mẹ hối hận vì đã đánh con mình dã man song không ít người chống chế rằng đó không phải là hành hạ mà chỉ là một bài học nhỏ cho đứa trẻ.
Ít bị tố giác
Luật sư Qian Xiaofeng nhận định những trẻ vị thành niên không thể tự bảo vệ mình và sẽ không gọi cho cảnh sát hoặc nhờ giúp đỡ khi bị bạo hành.
"Gia đình giống như một pháo đài mà người ngoài không dễ để vào được, đặc biệt là ở các thành phố. Khi cánh cửa đóng lại, nhiều người thậm chí không biết hàng xóm đối diện là ai. Thế giới của họ hoàn toàn được bao bọc bởi cha mẹ", luật sư Qian nói.
Nhìn chung, các vụ xâm hại, bạo hành trẻ em ở Trung Quốc bị giấu giếm, hầu hết xảy ra tại gia đình, trẻ còn nhỏ và hay bị người lớn đe dọa mà không dám nói ra. Theo báo cáo nghiên cứu của Zhang Xuemei, chỉ có 2% trẻ vị thành niên cho biết bị cha mẹ bạo hành.
Vào tháng 5/2013, bé gái 11 tuổi ở huyện Kim Sa, tỉnh Quý Châu bị cha bạo hành trong thời gian dài, bị đổ nước sôi lên người, bắt quỳ trên mảnh kính vỡ. Cả làng đều biết hành vi của ông bố nhưng không ai đứng ra tố cáo. Sau đó, một người phụ nữ đến làng thăm người thân, phát hiện và mới gọi điện báo công an.
Trên thực tế, nhiều người vẫn cho rằng không nên can thiệp quá nhiều vào việc nhà người khác, kể cả phát hiện bạo lực gia đình.
Ngày 21/6/2013, trong một ngôi nhà ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, hai trẻ nhỏ được tìm thấy chết đói tại nhà. Trước khi sự việc xảy ra, chúng đã đập cửa cả đêm để gọi mẹ, thậm chí ăn mọi thứ có thể để thỏa cơn đói.
Bố hai đứa trẻ đang thụ án tù về tội liên quan đến ma túy, mẹ có tiền sử nghiện hút nên thường xuyên bỏ nhà đi vài ngày không về. Hàng tháng, các đơn vị cộng đồng gửi gạo, dầu cho 3 mẹ con, hàng xóm cũng thi thoảng giúp đỡ. Tuy nhiên, sự việc đau lòng vẫn xảy ra.
“Nếu mọi người để ý nhiều hơn một chút, tiến lên một bước và quan tâm nhiều hơn thì thảm kịch như vậy khó có thể xảy ra”, Qian nhận định.
Nhiều người xung quanh không tố giác hành vi phạm tội vì ngại rắc rối.
Luật sư Qian cho rằng một trong những nguyên nhân hàng xóm thờ ơ hoặc không can thiệp các vụ việc tương tự là tâm lý ngại phiền hà và không muốn can thiệp sâu vào chuyện gia đình người khác.
"Nếu một người trình báo một vụ việc, anh ta sẽ gặp rất nhiều rắc rối. Thứ nhất, cơ quan công an sẽ yêu cầu anh ta ghi chép, làm mất thời gian. Thứ hai, nếu người nhà của bên kia biết chuyện, họ có thể trả thù. Đồng thời, không có phần thưởng hay cơ chế khen ngợi nào cho hành động đó cả”, Qian giải thích.
Theo Luật Bảo vệ người chưa thành niên hiện hành ở Trung Quốc, tổ chức, cá nhân nào phát hiện tình huống xâm phạm đến sức khỏe thể chất, tinh thần hoặc lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên đều có quyền can ngăn, ngăn chặn hoặc báo cáo với các bộ phận liên quan.
Luật sư Qian Xiaofeng tin rằng không chỉ khuyến khích mọi người báo cáo các hành vi phạm tội mà cần có một cơ chế bảo vệ, khen thưởng họ.
Hình phạt chưa đủ răn đe
Tháng 4/2013, sau khi bị mẹ bạo hành trong 7, 8 năm, cơ thể một bé gái 12 tuổi ở Quảng Châu chằng chịt vết sẹo. Tuy nhiên, người mẹ chỉ bị kết án 3 năm tù giam, 4 năm tù treo.
Trong các vụ án hình sự do cha mẹ ruột lạm dụng, bạo hành con, thủ phạm thường dễ dàng được tha thứ và đưa ra hình phạt nhẹ hơn hoặc bị quản chế theo quy định của pháp luật vì cần phải chăm sóc nạn nhân nhỏ tuổi.
Theo phân tích dữ liệu của Đại học Phục Đán, trong 2.974 bản án liên quan đến bạo hành trẻ em trong 20 năm qua, án dân sự chiếm 83,2%, chỉ có tỷ lệ nhỏ bị trừng phạt như tội hình sự. Trong các vụ án hình sự xâm hại trẻ em, "trừng phạt nhẹ" và "quản chế" đều là từ khóa có tần suất xuất hiện cao.
Hình phạt cho nhiều bậc cha mẹ bạo hành con chưa đủ sức răn đe.
Tuy nhiên, những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc bắt đầu đưa ra nhiều quy định, chính sách bảo vệ trẻ em bị bạo hành và có hình phạt nghiêm khắc hơn cho kẻ phạm tội.
Ngày 7/5, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc ban hành quy định các tổ chức, cá nhân có quan hệ gần gũi với trẻ vị thành niên báo cáo cho cơ quan an ninh nếu phát hiện ra trường hợp trẻ bị xâm phạm, nghi ngờ là bị xâm phạm hoặc có nguy cơ bị xâm phạm bất hợp pháp.
Ngoài ra, Bộ Dân sự cũng mở đường dây nóng về cứu hộ và bảo vệ trẻ em nhằm thiết lập một cơ chế can thiệp toàn diện về bảo vệ trẻ em.
Theo luật sư Qian Xiaofeng, việc bảo vệ trẻ vị thành niên nên đi sâu vào từng gia đình, thiết lập cơ chế giám sát, kịp thời nắm bắt và báo cáo tình trạng của trẻ vị thành niên, nhất là ở các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.
Theo zingnews