Nghi phạm My Ut Trinh khi bị cảnh sát bắt hôm 11/11. 

ABC 
đưa tin bà My Ut Trinh, 50 tuổi, bị giam tại Trại Cải tạo Phụ nữ Brisbane nhưng hôm 22/11 đã được Tòa án Thẩm phán Brisbane cho phép bảo lãnh tại ngoại.

Người phụ nữ gốc Việt bị bắt hôm 11/11 với 7 tội danh, sau cuộc điều tra phức tạp của cảnh sát về vụ phá hoại ngành công nghiệp dâu tây Australia.

Tại phiên tòa, các công tố viên cáo buộc bà Trinh nhét kim vào các quả dâu để trả đũa ông chủ trang trại do mâu thuẫn cá nhân. Một đồng nghiệp cho hay "cách đây một đến hai năm", bà từng nói rằng "Nếu tôi ghét ai, tôi sẽ nhét kim vào dâu và khiến họ phá sản". 

Tuy nhiên, luật sư bào chữa Nick Dore tranh cãi rằng bằng chứng chống lại bà Trinh chỉ là những lời "đồn đoán, bóng gió" và đồng nghiệp trên cũng không tin rằng bà Trinh nói nghiêm túc.

"Không có động cơ nào. Không có gì cho thấy tại sao điều này xảy ra", ông Dore nói. "Căn cứ của vụ án này là một cuộc hội thoại có thể đã xảy ra một hay hai năm trước. Họ nói rằng hành động đó là nhằm gây tổn hại về tài chính. Trong tuyên bố của bên khiếu kiện không có lời đe dọa nào rằng 'tôi sẽ làm điều này', không có câu nào rằng 'nếu ông không trả tôi X, thì tôi sẽ làm Y'. Bất đồng ở đâu? Thực tế, bên khiếu kiện cho hay không hề có bất đồng".

Kim khâu được phát hiện trong một hộp dâu tây Australia. 

Bà Trinh đến Australia tị nạn từ những năm 20 tuổi và làm giám sát viên tại trang trại Berrylicious ở bang Queensland. Các công tố viên cáo buộc bà nhét kim tiêm vào một lượng dâu tây của trang trại từ ngày 2 đến 5/9, có thể do mâu thuẫn với ông chủ là Kevin Tran, và kế hoạch phạm tội dường như được chuẩn bị kỹ lưỡng suốt nhiều tháng. 

Công tố viên Cheryl Tesch cho rằng họ có "cơ sở mạnh mẽ" để chống lại nữ nghi phạm khi phát hiện hai cây kim bên trong một hộp nhựa ở bang Victoria.

"ADN được tìm thấy ở một trong hai cây kim có khả năng 100 tỷ lần thuộc về nghi phạm", ông Tesch nói. "Hành vi phạm tội của nghi phạm gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng không chỉ cho chủ trang trại mà còn cả nền kinh tế Australia".

Tuy nhiên, luật sư Dore cho hay ADN không đủ để chứng minh bà Trinh đã nhét kim vào dâu tây. Bà có rất ít khả năng tái phạm nếu được bảo lãnh tại ngoại và an toàn của bà cũng không bị đe dọa.

Tòa án đã đồng ý thả bà Trinh với điều kiện không liên lạc với các đồng nghiệp cũ của trang trại, giao nộp hộ chiếu và trình diện cảnh sát 3 lần một tuần.

Vụ án sẽ được xét xử tiếp vào ngày 17/12 và bà Trinh đối mặt với 10 năm tù nếu bị kết tội.

Hơn 230 vụ phát hiện kim khâu trong dâu tây đã được ghi nhận trên khắp Australia và lan sang cả quốc gia lân cận New Zealand, gây ảnh hưởng đến 68 thương hiệu. Giới chức tin rằng có nhiều nghi phạm đã bắt chước hành vi của bà Trinh để phá hoại ngành công nghiệp này. Các nhà trồng dâu Australia chịu thiệt hại kinh tế khoảng 160 triệu AUD (gần 116 triệu USD) vì sản phẩm bị tiêu hủy hoặc thu hồi.

Theo VNExpress