Cụ thể, phí thị thực đối với người lao động từ 4 nước nói trên được giảm từ 2.000 baht hiện nay xuống 500 baht và phí lưu trú tạm thời (phí gia hạn thị thực mỗi năm) cũng được giảm từ 1.900 baht hiện nay xuống 500 baht.

Nghị định có hiệu lực trong 4 năm, bắt đầu từ ngày 10/11/2023, và áp dụng cho người lao động nước ngoài từ 4 quốc gia này vào Thái Lan làm việc trên cơ sở hợp đồng lao động hoặc Biên bản ghi nhớ (MoU) liên quan đến việc tuyển dụng lao động.

Người lao động Việt Nam tại Thái Lan được giảm phí thị thực và lưu trú
Lao động nhập cư vá lưới đánh cá ở tỉnh Rayong, Thái Lan - Ảnh: AFP

Bộ Lao động Thái Lan nhấn mạnh nghị định này phù hợp với cách tiếp cận của chính phủ về quản lý tuyển dụng lao động nước ngoài nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của đất nước và hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Giảm phí góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính cho cả người lao động và người sử dụng lao động, thúc đẩy việc làm hợp pháp và giải quyết vấn đề lao động nước ngoài vào Thái Lan vì mục đích làm việc.

Theo thông tin của Văn phòng Cục Quản lý Lao động Nước ngoài, trong tháng 9, Thái Lan có tổng cộng 2.593.439 lao động nước ngoài và vẫn còn khoảng 1 triệu lao động đang trong quá trình nộp hồ sơ xin giấy phép lao động theo nghị quyết của Nội các ngày 3/10/2023.

Theo Nghị quyết về quản lý lao động nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam được Thái Lan thông qua ngày 10/2/2015, để được cấp giấy phép, lao động Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau: có hộ chiếu Việt Nam, làm giúp việc tại gia hoặc lao động chân tay trong một số lĩnh vực như xây dựng, nghề cá, phục vụ tại nhà hàng, và được chủ lao động Thái Lan xác nhận nhu cầu tuyển dụng nhân công.

Các “Trung tâm đăng ký lao động nước ngoài một cửa” (OSS) dành cho lao động Việt Nam được thành lập tại Bangkok (miền Trung), Chiang Mai (miền Bắc), Rayong (miền Đông), Nakhon Phanom (miền Đông Bắc) và Song Khla (miền Nam).

Theo thoidai