Chiều 7/11, Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao – Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trình bày Tờ trình dự án Luật Du lịch (sửa đổi).
Theo trình bày của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, hướng dẫn viên du lịch là một nghề.
Hướng dẫn viên Trung Quốc dẫn đoàn khách tham quan chùa Linh Ứng (Đà Nẵng) vào tháng 7/2016
Để tránh sự bất bình đẳng giữa hướng dẫn viên du lịch nội địa và hướng dẫn viên quốc tế, chúng ta quy định người được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế phải tốt nghiệp đại học trở lên.
Tuy nhiên, quy định này dẫn đến hệ quả, nhiều người có kinh nghiệm chuyên sâu, thông thạo ngoại ngữ nhưng chưa có bằng đại học không thể trở thành hướng dẫn viên quốc tế.
Bởi vậy, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, để phù hợp với thực tiễn, dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) quy định hướng dẫn viên theo chương trình du lịch và hướng dẫn viên tại điểm.
Điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên được quy định thống nhất và đơn giản hơn, không phân biệt hướng dẫn viên nội địa và hướng dẫn viên quốc tế, chỉ căn cứ vào ngôn ngữ sử dụng khi hướng dẫn khách du lịch.
Yêu cầu về trình độ chuyên môn của người đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên theo chương trình du lịch được điều chỉnh từ trình độ cử nhân chuyên ngành hướng dẫn du lịch xuống trình độ trung cấp chuyên ngành hướng dẫn du lịch.
“Quy định mới này dự kiến là một trong những biện pháp cần thiết nhằm giải quyết tình trạng thiếu hướng dẫn viên trong mùa du lịch cao điểm như hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.
Theo Điều 52 của Dự án Luật du lịch (sửa đổi), điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch phải đáp ứng một số điều kiện, trong đó hướng dẫn viên du lịch phải “Có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”. Như vậy, theo dự án Luật du lịch (sửa đổi) thì người nước ngoài không được làm hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV
Vấn đề này cũng được Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nêu trong Báo cáo thẩm tra dự án Luật du lịch (sửa đổi).
Theo ông Phan Thanh Bình, có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng người có quốc tịch nước ngoài được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nhận thấy quy định như vậy sẽ tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, dễ dẫn đến tình trạng lợi dụng hoạt động hướng dẫn du lịch xuyên tạc lịch sử, văn hóa… ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Trên thực tế, hầu hết các nước trên thế giới không cho phép người nước ngoài được hành nghề hướng dẫn viên du lịch trong phạm vi lãnh thổ.
Báo cáo thẩm tra cũng đề nghị Ban soạn thảo phân loại hướng dẫn viên theo chương trình du lịch thành hướng dẫn viên nội địa và hướng dẫn viên quốc tế.
Việc phân chia này không phải là sự phân biệt khách du lịch mà để đảm bảo tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ đáp ứng yêu cầu đặc thù của từng đối tượng khách du lịch.
Ông Phan Thanh Bình thay mặt ban thẩm tra, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định phân loại hướng dẫn viên theo bậc chuyên môn.
Đây là động lực khuyến khích hướng dẫn viên không ngừng phấn đấu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ./.
Theo vov.vn