Vì chồng tôi lừa dối nên visa chỉ gia hạn 1 lần, sau này tôi mới biết điều đó nhưng đã quá muộn và hộ chiếu cũng hết hạn mà ở VN không có đại sứ quán của nước tôi nên tôi không thể đổi được hộ chiếu mới. Còn nếu về nước để làm lại giấy tờ thì tôi sợ không quay lại VN được nữa. Tôi và chồng tôi không sống chung với nhau từ lâu. Xin hỏi luật sư, trường hợp của tôi có nhập được quốc tịch VN không? Nếu được thì tôi cần làm những thủ tục gì?
* Trả lời:
Bạn và chồng bạn có con chung, con của bạn có quốc tịch Việt Nam; như vậy, bạn có thể được nhập quốc tịch Việt Nam nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
1. Điều kiện để nhập quốc tịch Việt Nam
Theo Điều 19, Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (“Luật Quốc tịch Việt Nam 2014”), điều kiện để xin nhập quốc tịch Việt Nam bao gồm:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;
b) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;
c) Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam;
d) Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam;
e) Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam
Tuy nhiên, do bạn là mẹ đẻ của người Việt Nam nên các điểm c, d, e trên đây có thể không cần phải đáp ứng.
2. Hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam
Vì bạn được miễn một số điều kiện khi gia nhập quốc tịch Việt Nam như đã nêu trên đây nên theo quy định tại Điều 20 Luật Quốc tịch Việt Nam 2014, hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam của bạn sẽ cần những giấy tờ sau:
a) Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam;
b) Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế;
c) Bản khai lý lịch;
d) Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ.
Ngoài ra, đối với trường hợp của bạn được miễn một số điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định trên, nên bạn cần phải nộp thêm Bản sao Giấy khai sinh hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ mẹ con để chứng minh điều kiện được miễn (theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định số 78/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 97/2014/NĐ-CP (“Nghị định 78”).
Hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam phải lập thành 3 bộ, được lưu trữ tại Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tư pháp và cơ quan tiếp nhận hồ sơ.
3. Thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam
Điều 21 Luật Quốc tịch Việt Nam 2014 có quy định cụ thể như sau về thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam:
Nơi nộp hồ sơ: Bạn nộp hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi cư trú.
Thời hạn giải quyết hồ sơ theo quy định:
- Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị cơ quan Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác minh.
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, cơ quan Công an cấp tỉnh có trách nhiệm xác minh và gửi kết quả đến Sở Tư pháp.
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, Sở Tư pháp có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp.
- Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam thì gửi thông báo bằng văn bản cho người xin nhập quốc tịch Việt Nam để làm thủ tục xin thôi quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài.
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy cho thôi quốc tịch nước ngoài của người xin nhập quốc tịch Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
- Trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài, thì trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin nhập quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Năm 1997 bạn về Việt Nam, theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh số 65-LCT/HĐNN ngày 21 tháng 02 năm 1992 về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam thì người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu và phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp thị thực.
Căn cứ Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 4-CP ngày 18 tháng 01 năm 1993 quy định chi tiết thi hành pháp lệnh nhập cảnh xuất cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam quy định: “1. Thị thực nhập cảnh, thị thực xuất cảnh, thị thực nhập - xuất cảnh, thị thực xuất - nhập cảnh của Việt Nam có thời hạn không quá 3 tháng (90 ngày) và có thể được gia hạn từng 3 tháng một, phù hợp với với mục đích nhập cảnh, xuất cảnh của từng trường hợp cụ thể.”.
Như vậy, sau khi bạn nhập cảnh vào Việt Nam với thị thực nhập cảnh không quá 3 tháng thì bạn có thể gia hạn từng 3 tháng một và phải phù hợp với mục đích nhập cảnh.
Như thông tin bạn cung cấp thì Hộ chiếu của bạn đã hết hạn từ năm 2002 và bạn chỉ gia hạn thị thực một lần. Kể từ thời điểm thị thực được gia hạn của bạn bị hết hạn cùng với Hộ chiếu cũng hết hạn mà bạn không thông báo ngay với cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam, bạn vẫn ở lại Việt Nam cho đến nay thì hành vi của bạn bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật Xuất nhập cảnh năm 2014 (“Luật XNC 2014”) đó là cư trú trái phép tại Việt Nam.
Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì bạn có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại.
Tùy theo mức độ vi phạm bạn có thể bị xử phạt với những mức phạt như sau:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối hành vi không khai báo tạm trú theo quy định hoặc sử dụng chứng nhận tạm trú, thẻ tạm trú, thẻ thường trú ở Việt Nam quá thời hạn từ 16 ngày trở lên mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép;
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi người nước ngoài cư trú tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền;
- Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định trên thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Theo Điều 30 Luật XNC 2014, người nước ngoài có thể bị buộc xuất cảnh trong trường hợp hết thời hạn tạm trú nhưng không xuất cảnh).
Theo thông tin bạn cung cấp, do ở Việt Nam không có Cơ quan đại diện của nước bạn nên bạn không thể đổi được hộ chiếu mới. Nếu ở Việt Nam không có Cơ quan đại diện của nước bạn thì bạn phải trở về nước làm thủ tục để xin cấp lại hộ chiếu mới hoặc xin gia hạn thêm thời hạn hộ chiếu.
Theo quy định pháp luật Việt Nam, thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân. Việc chấm dứt hôn nhân được gọi là ly hôn khi chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án (Khoảng 13, 14 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).
Nếu bạn chưa ly hôn với chồng thì theo quy định tại khoản 5 Điều 12 Luật XNC 2014quy định người nước ngoài là vợ của công dân Việt Nam thì được miễn thị thực theo quy định của Chính phủ. Như vậy, bạn thuộc trường hợp được miễn thị thực khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Để được miễn thị thực bạn phải đáp ứng các điều kiện quy định tại điều 3 Nghị định số 82/2015/NĐ-CP ngày 24/09/2015 quy định về việc miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam như sau:
a) Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị ít nhất 01 năm.
b) Có giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này (Chính là giấy chứng nhận kết hôn).
c) Không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh và tạm hoãn xuất cảnh quy định tại Điều 21 và Điều 28 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Nếu trường hợp bạn đã ly hôn thì bạn có thể vào Việt Nam để thăm con của bạn theo diện thăm thân theo khoản 18 Điều 8 Luật XNC 2014, thì thị thực thăm thân cấp cho người nước ngoài là mẹ của công dân Việt Nam. Ngoài ra, bạn có thể nhập cảnh vào Việt Nam với các mục đích khác nhau như du lịch, lao động, làm việc… nếu đáp ứng được quy định của pháp luật Việt Nam về xuất, nhập cảnh như về điều kiện cấp thị thực, về điều kiện thời hạn cấp thị thực phải ngắn hơn hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị về điều kiện cấp thị thực…
Như vậy, trước hết bạn cần phải trở về nước để làm thủ tục cấp hộ chiếu mới, sau đó bạn có thể nhập cảnh vào Việt Nam để thăm con và tiến hành các thủ tục xin nhập Quốc tịch Việt Nam theo hướng dẫn ở trên.
Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính,
Thanh Xuân, Hà Nội
Theo Quehuongonline.vn