Người kết hôn giả có thể bị phạt tù, tước quốc tịch và bị trục xuất - Ảnh minh họa: LOOK
Thật khó để ước lượng được mức độ phổ biến của hôn nhân giả là thế nào. Tuy nhiên, năm 2006, Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE) ước tính 135.000 cuộc hôn nhân "thẻ xanh" là giả.
Trong số những trường hợp kết hôn giả có không ít du học sinh Việt Nam.
Mỹ Vân (tên nhân vật đã thay đổi) - 30 tuổi, cựu du học sinh hiện đang sống ở quận Cam, California - đồng ý chia sẻ với Tuổi Trẻ về hành trình kết hôn giả của mình cách đây hơn 10 năm.
Vân nói ngày xưa cô trả 30.000 USD để kết hôn giả, nhưng bây giờ có nhiều du học sinh Việt Nam đồng ý trả đến 60.000 USD/trường hợp nhưng vẫn tìm đỏ mắt không ra "đối tác" chịu giúp, vì phía Mỹ đã cảnh giác khi rất nhiều du học sinh Việt Nam hết hạn visa nhưng vẫn tìm cách ở lại Mỹ bằng con đường kết hôn.
Đơn giản... đến không ngờ
Khác với nhiều người kết hôn thông qua các đường dây môi giới, Vân kết hôn giả thông qua sự giới thiệu của bạn bè.
Vân kể năm 2008, cô sang Mỹ theo diện du học sinh. Thấy trường đại học mà cô theo học ở Mỹ dành nhiều ưu đãi tài chính cho sinh viên quốc tế có thẻ xanh (green card - thường trú nhân) cũng như những sinh viên đã kết hôn, Vân cũng muốn đi theo con đường này.
Nếu có thẻ xanh và kết hôn, Vân sẽ dễ dàng nộp đơn xin trợ cấp tài chính như Chương trình trợ cấp sinh viên liên bang (FAFSA). Theo trang Vice, kết hôn là cách dễ nhất để tuyên bố bạn "độc lập" khi nộp đơn FAFSA, nghĩa là trợ cấp tài chính dành cho bạn sẽ được căn cứ vào thu nhập của bạn, chứ không "phụ thuộc" cha mẹ bạn.
Và sự khác biệt giữa "độc lập" và "phụ thuộc" có thể giúp sinh viên nhận trợ cấp lên đến 13.000 USD/năm.
Bạn bè của Vân ở trường đại học cho biết kết hôn giả là con đường nhanh nhất và dễ dàng nhất để lấy thẻ xanh, Vân quyết định xin ý kiến gia đình về chuyện hệ trọng này.
Sau khi nhận được sự đồng ý của gia đình ở TP.HCM, Vân bắt đầu công cuộc tìm "chồng". Thông qua mai mối của bạn bè, cô gặp một người Mỹ gốc Trung Quốc và anh chàng này đồng ý làm "chồng" cô với giá hữu nghị 30.000 USD vì có quen biết và không thông qua môi giới.
Sau khi chuẩn bị xong các thủ tục giấy tờ bao gồm chụp ảnh cưới, Vân cùng chồng nộp hồ sơ lên Sở Di trú và nhập tịch Hoa Kỳ rồi hồi hộp chờ đợi kết quả.
Đến tháng 9-2009, chỉ 4 tháng sau khi nộp hồ sơ, Vân nhận được thẻ xanh. Khoảng 3 năm sau, cô có quốc tịch Mỹ.
"Sau khi phỏng vấn ở sở di trú, tôi trả cho anh ấy trước 50%. 50% còn lại, tôi trả sau khi chính thức nhận được thẻ xanh - cô nói - Sau khi trở thành công dân Mỹ và bảo lãnh ba má sang Mỹ cuối năm 2012 đầu năm 2013, tôi viết đơn ly hôn gửi tòa án và được giải quyết nhanh gọn".
70%
Vân cho biết thế hệ du học sinh Việt Nam cùng thời của cô có đến 70% nữ sinh không về nước khi hết hạn visa. Nhiều người chọn con đường kết hôn với công dân Mỹ để tìm cách ở lại Mỹ. Do đó, giới chức Mỹ nhận ra thực tế này và bắt đầu siết chặt những hồ sơ kết hôn với công dân Mỹ. |
Theo Mỹ Vân, giới chức Mỹ ngày càng cảnh giác với các hồ sơ du học sinh Việt Nam vì nạn kết hôn giả - Ảnh minh họa: Getty Images
Chuyện cô vợ Mỹ lấy chồng Việt
Mùa xuân năm 2016, Tiffany (người Mỹ, tên nhân vật đã được đổi), cô gái 29 tuổi vào thời điểm ấy đang háo hức chờ ngày... ly hôn. Đó là thời điểm người chồng trên giấy tờ của cô đủ điều kiện nhận tấm thẻ xanh 10 năm.
Tiffany cưới Steve từ hai năm rưỡi trước. Khi ấy anh đã có vợ và các con ở Việt Nam, nơi chôn nhau cắt rốn của anh, Tiffany cũng đã có bạn trai nhiều năm. Nhưng muốn có thêm khoản tiền tiết kiệm, vì vậy Tiffany gọi điện cho một người bạn Việt Nam và hỏi có biết ai đang muốn lấy vợ trên giấy tờ không. Người bạn giới thiệu cô với Steve và họ quyết định sẽ "kết hôn" ngay trong cuộc hẹn đầu tiên.
Steve đã ly hôn với người vợ thật trên giấy tờ, dù anh có ý định sẽ đoàn tụ với gia đình sau khi cuộc hôn nhân với Tiffany giúp anh có được vị thế bền vững hơn. Họ đăng ký kết hôn vài tuần sau lần gặp đó. "Công việc của tôi rất đơn giản - Tiffany nói - Tôi không phải làm gì nhiều. Chỉ giống như kết bạn vậy".
Steve đã phải trả cho Tiffany 10.000 USD khi họ nhận được giấy chứng nhận kết hôn. Cô đã dùng số tiền này mua một căn nhà cho mình và người bạn trai thật. Sau đó, khi "chồng" cô nhận được thẻ xanh 2 năm, anh trả tiếp cho cô 15.000 USD. Steve sẽ còn trả cho Tiffany một khoản cuối cùng là 5.000 USD khi tấm thẻ xanh 10 năm của anh được phê duyệt, và họ sẽ ly hôn.
Suốt khoảng thời gian "hợp đồng hôn nhân" này, Tiffany sẽ cẩn trọng không đăng các bức ảnh thân mật của cô và người tình thực lên mạng. "Không hề có kế hoạch định kỳ cho những cuộc gặp gỡ. Không gì cả... Chúng tôi chưa bao giờ phải hôn, thậm chí ngay trong lễ cưới - chỉ chụp hình với nhau" - cô nói.
"Theo văn hóa Việt Nam, chúng tôi không thể hiện sự thân mật nơi công cộng, vậy nên chẳng ai chất vấn chúng tôi cả" - Tiffany cho biết.
Tuy nhiên, cặp vợ chồng này cũng có một tuần trăng mật tại Las Vegas, chỉ khác là ở đó Tiffany mang theo bạn trai của cô và họ được tận hưởng một kỳ nghỉ miễn phí.
Tiffany cho rằng cô và Steve chưa từng gặp rắc rối với các nhà chức trách của cơ quan di trú, vì họ đều là những người có học và có công ăn việc làm. "Tôi chẳng làm gì sai trái cả - cô nói - Lý do chúng tôi vượt qua được các cuộc phỏng vấn của cơ quan di trú là cả hai chúng tôi đều đang làm việc và đều đóng thuế. Chúng tôi có trách nhiệm và hỗ trợ cộng đồng".
Du học để kết hôn giả làm méo mó nhân cách
Y. là cô bé xinh đẹp, con nhà giàu có ở quận 3 (TP.HCM). Tháng 8-2016, sau khi tốt nghiệp THPT, Y. đến Mỹ học tiếng Anh, thực tế để kiếm "mối" hôn nhân giả nhằm định cư ở Mỹ. Rồi Y. được giới thiệu quen một thanh niên Mỹ gốc Việt. Giá của cuộc hôn nhân giả này là 40.000 USD.
Nhưng chưa đến 1 năm sau khi bắt đầu tiến hành các thủ tục hôn nhân, giao kèo đổ bể. Y. cho biết lý do: "Mẹ tôi đưa anh ấy tiền, còn tôi ăn ở với anh ta. Thực tế chúng tôi cũng thích nhau, thậm chí có kế hoạch cưới thật. Nhưng anh ấy nói với tôi dù cưới thật anh vẫn lấy tiền của em. Chúng tôi chia tay vì khác biệt tính cách".
Ít lâu sau, Y. bỏ học và trở về VN. Cô tiếp tục tìm kiếm một cuộc hôn nhân giả khác.
Một Việt kiều cho biết những cuộc hôn nhân giả khiến các bạn trẻ méo mó nhân cách. "Nhiều bạn trẻ ra nước ngoài học với mục đích kết hôn giả. Họ không học được gì, không phát triển được bản thân. Nhân cách của họ bị méo mó vì tiền vì phải che đậy sự giả dối. Có những bạn trẻ đã tìm cách trả thù đời sau cuộc hôn nhân giả" - anh Việt kiều nói. |
Theo
Tuổi Trẻ