Với người phụ nữ, bị tổn hại về sức khỏe tinh thần do tác động của bạo lực gia đình
luôn nặng nề và khó khăn khi điều trị
Tuổi thơ thấm đầy bạo lực
Chị Nguyễn Thị T. (Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) sinh ra trong một gia đình có 3 anh chị em. Cha T. làm nghề thợ xây, mẹ cô buôn bán. Ngay từ khi nhận thức được mọi chuyện thì cũng là lúc T. nhận ra mái nhà của mình không hạnh phúc. Người cha thường xuyên đánh đập và chì chiết mẹ cô. Tiền kiếm ra được không bao giờ ông dùng để chăm lo cho gia đình. Họ chia tay nhau nhưng vì kinh tế khó khăn nên vẫn phải ở chung một nhà. Dù bố mẹ đã ly hôn nhưng bạo lực vẫn diễn ra, bố vẫn đánh mẹ.
T. là con gái duy nhất trong nhà. Cô cũng là người chứng kiến rõ ràng nhất những niềm đau, giọt nước mắt tủi buồn của mẹ. Tự bao giờ, T. trở thành người tự ti, luôn thui thủi một mình, không có bạn thân.
Còn nhỏ, T. phải chứng kiến những trận đòn của bố giáng xuống đầu mẹ.
Ảnh minh họa
Xong lớp 9, mới tròn 16 tuổi, thương mẹ không thể cáng đáng thêm việc học của mình, T. nghỉ học và đi làm may công nghiệp để mong kiếm được tiền giúp mẹ. Sau gần 1 năm đi làm, cô được người quen dắt mối cho một người đàn ông xa lạ ở xã bên hơn cô 10 tuổi. Mẹ T. thương con gái, bà bảo: “Gia đình mình thế này, con đi lấy chồng đi. Người ta già dặn, chắc sẽ chín chắn và là chỗ dựa tốt cho con”. Mặc dù chưa đủ tuổi kết hôn, mặc dù không có cảm xúc cũng không cần tìm hiểu rõ ràng người ta, T. vẫn đồng ý đi làm dâu nhà người.
Tìm đường quang lại quàng bụi rậm
Ngày lên xe hoa, T. có ao ước cuộc đời của mình sẽ được chuyển sang một trang mới. Cô nghĩ rằng những hình ảnh về sự chì chiết, đánh đấm sẽ không còn tái hiện nữa. Nhưng, chỉ vài tuần sau khi cưới, chồng T. chuyển ra ở riêng một mình ngoài cửa hàng cách nhà khá xa - nơi anh thuê để buôn bán. Thế là chỉ có một mình T. phải ở lại trong căn nhà xa lạ. Cô bắt đầu rơi vào cái nhìn “chăm chú” của người bố chồng. Cô bị chịu đựng những hành động kín đáo của ông khi va chạm vào người cô kiểu nửa sàm sỡ, vô tình, nửa uy quyền, chủ ý.
Quá sợ hãi nên khi vừa mang bầu, để lẩn tránh bố chồng, T. xin chồng được theo ra ở cùng ngoài cửa hàng. Chồng T. đồng ý tách vợ ra. Việc mang bầu, sinh con, sức khoẻ yếu, đã khiến cô không có khả năng kiếm ra tiền, chỉ biết sống dựa vào chồng.
Sau đó là những lời lẽ khinh bỉ gia đình nhà cô rồi tiến đến thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Càng ngày, tần số đánh đập ngày một tăng. Nó khiến T. tắt hẳn nguồn hy vọng về một gia đình không bạo lực...
Rơi vào trầm cảm
Khi đứa con của T. tròn 1 tuổi cũng là lúc cô thấy mình bắt đầu có biểu hiện của sự thay đổi về tâm lý. Nhiều khi T. không kìm chế được bản thân. Cô đánh đập, cáu gắt ầm ĩ với con. Tim cô đập nhanh, mất ngủ, không ăn uống được. Nhưng sau đó T. lại rơi vào sự sợ hãi, bất ổn, lo lắng, buồn bã triền miên. Cô tự cảm thấy mình không có khả năng tự ra một quyết định gì, không muốn làm bất kỳ việc gì. Một lần u ám quá, T. còn nảy sinh ý định sẽ tự kết liễu đời mình nhưng không thành.
Khi ấy, người hàng xóm bên cạnh nhà T. vô tình kể cô nghe về một người quen của họ bị bạo lực gia đình dẫn đến mắc bệnh trầm cảm, u ám, phải đi bệnh viện điều trị. Bác sĩ nói bệnh đó nếu để lâu thì sẽ có hậu quả nặng nề. T. nghe, thấy sợ hãi và bắt đầu chú ý hơn đến tình trạng tâm lý của mình. Khó có thể kể chuyện mình cho ai nghe một cách trực tiếp nên cô đã dò tìm và có được số điện thoại tư vấn của nhà tạm trú chuyên hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực ở nội thành rồi gọi ra và nhờ hỗ trợ.
Tại đây, chị T. đã phải trải qua 12 lần tham vấn về tâm lý thì mới có thể ngồi một cách “tạm tĩnh tâm” để nói về một số mong muốn của mình như muốn "giải thoát", muốn học nghề làm đầu và muốn có trách nhiệm cho việc nuôi con…
Theo Phunuvietnam.vn