“Không nghĩa là không”: Tây Ban Nha đã chứng kiến làn sóng biểu tình năm 2018 sau khi một nhóm hiếp dâm tập thể ban đầu thoát án phạt tấn công tình dục - Ảnh: Getty Images

Điều này có nghĩa là Tây Ban Nha có thể sớm gia nhập danh sách hàng chục quốc gia châu Âu đã thay đổi định nghĩa pháp lý về việc coi quan hệ tình dục không có sự đồng thuận là tội hiếp dâm, theo Tổ chức Ân xá quốc tế (AI). Các nước này bao gồm Bỉ, Croatia, Síp, Đan Mạch, Đức, Hy Lạp, Iceland, Ireland, Luxembourg, Malta, Thụy Điển và Anh.

Dự luật - được mệnh danh là luật "Chỉ có có nghĩa là có" hay “Không nghĩa là không” - còn phải được Quốc hội bỏ phiếu thông qua vào tháng 9 tới.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp của nội các, người phát ngôn của chính phủ Maria Jesus Montero nói “dự luật làm rõ rằng im lặng hoặc thụ động không có nghĩa là đồng ý, hoặc không thể hiện sự phản đối không thể là cái cớ để hành động chống lại ý nguyện của người khác".

Cho đến nay, bộ luật hình sự của Tây Ban Nha yêu cầu nạn nhân đưa ra bằng chứng rằng bạo lực và sự đe dọa đã được sử dụng cho hành vi tình dục mới được phân loại là hiếp dâm.

Điều này được nhấn mạnh bởi vụ hiếp dâm tập thể tai tiếng một phụ nữ 18 tuổi vào năm 2016, trong một lễ hội chạy bò ở thành phố Pamplona, miền bắc Tây Ban Nha. Trong vụ án đó, 5 người đàn ông chịu trách nhiệm ban đầu chỉ bị kết án về tội lạm dụng tình dục, một tội danh nhẹ hơn, vì tòa án không tìm thấy bằng chứng cho thấy các nghi phạm sử dụng bạo lực thể chất để buộc tội tấn công tình dục.

Phán quyết của tòa địa phương đã bị phản đối rộng rãi, dẫn đến việc sau đó Tòa án Tối cao Tây Ban Nha lật lại bản án và tuyên án tội hiếp dâm.

Dự luật được thông qua hôm 6/7 cũng đề xuất án tù cho hành vi quấy rối tình dục tại công sở và lần đầu tiên hành vi trêu ghẹo phụ nữ bằng huýt sáo hay lời nói bị coi là phạm tội. Cưỡng ép kết hôn và cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ (cắt bì) cũng bị coi là tội hình sự.

Sau cuộc họp, Thủ tướng Pedro Sanchez thuộc đảng Xã hội đã kêu gọi biến Tây Ban Nha thành "một nơi tự do và an toàn hơn đối với phụ nữ" và "là một xã hội nơi tất cả chúng ta sống bình đẳng và không sợ hãi".

Năm 2004, Tây Ban Nha là nước đầu tiên ở châu Âu thông qua luật trừng trị hành vi bạo lực gia đình và coi giới tính của nạn nhân như là một yếu tố tăng nặng trong các trường hợp bị hành hung.

Theo phunuonline