Giờ cơm trưa của học sinh trường Banbangkapi, quận Bang Kapi ở Bangkok - Ảnh: Bangkok Post
Trước đó, điều tra của Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (NACC) Thái Lan phát hiện ít nhất 4 trường ở tỉnh Nakhon Ratchasima đã phục vụ bữa trưa dưới chuẩn cho học sinh.
Theo NACC, lãnh đạo nhà trường chỉ dùng một phần số tiền cơm trưa từ ngân sách và không thể giải thích số tiền còn lại đã đi đâu về đâu. Một số nói rằng họ không tham nhũng mà đã dùng phần còn lại của số tiền để bù cho các hoạt động khác như thể thao phục vụ học sinh.
NACC còn phát hiện một số trường hợp số học sinh đăng ký ăn cơm cao hơn sĩ số học sinh thực tế của nhà trường.
Theo báo Bangkok Post, những bê bối này là một cú đánh vào uy tín của chương trình bữa trưa miễn phí của chính phủ.
Từ năm 1999, Bộ Giáo dục Thái Lan có chính sách hỗ trợ 20 bath mỗi học sinh mẫu giáo và cấp 1 mỗi ngày để các em ăn trưa miễn phí tại trường. Các trường tự thuê đơn vị cung cấp bữa trưa. Tuy nhiên, đã có nhiều báo cáo về tình trạng gian lận như khoản tiền ăn định mức này bị bớt xén và sử dụng sai mục đích.
Mới đây nhất, một đoạn video được chia sẻ rộng rãi trên mạng khiến dư luận bất bình vì bữa trưa của học sinh chỉ có cơm, canh rau và dưa hấu. Hiệu trưởng trường học bị tố đã bị chuyển công tác trong lúc chờ kết quả điều tra.
Hai năm trước, cáo buộc xà xẻo tiền ăn của học sinh cũng từng gây xôn xao dư luận Thái Lan. Hai trường ở tỉnh Phrae thuê nhà cung cấp bữa trưa với giá thực tế rẻ hơn giá ghi vào sổ quyết toán.
Tổng thư ký Ủy ban Giáo dục cơ bản Suthep Chittayawong khẳng định việc cắt xén tiền cơm trưa của học sinh là không thể chấp nhận được. Nó còn ảnh hưởng đến tương lai của thế hệ sau, đóng vai trò trụ cột của nước nhà.
"Bữa trưa 20 bath mỗi học sinh có thể không nhiều nhưng nó đủ để cung cấp một bữa ăn đủ chất và đàng hoàng nếu không có vấn đề tham nhũng", ông nói.
Tổng điều tra về chương trình bữa trưa trong cả nước sẽ kéo dài trong hai tuần. Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường, những người liên quan sẽ bị xử lý nghiêm, ông Suthep khẳng định.
Theo Tuổi Trẻ