Trao đổi với PV, ĐB Trần Kim Yến, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH, cho rằng: “Việc môi giới hôn nhân có từ xa xưa, nhưng việc môi giới mang tính chất “buôn bán” nó sẽ mang đến cho phụ nữ nhiều hậu quả hơn là mang đến hạnh phúc thực sự. Ai cũng có quyền tìm kiếm hạnh phúc cho mình nhưng khi không hiểu rõ được đối tượng mình sẽ kết hôn sẽ là một trở ngại rất lớn.
Đặc biệt là hôn nhân với người nước ngoài thì việc chưa hiểu được phong tục tập quán, môi trường sống của người đó, nơi ở đó mà mình sẽ trao gửi cả cuộc đời sẽ rất là nguy hiểm”.
ĐB Kim Yến chia sẻ thêm: “Ở khu vực phía Nam, có những làng xã được gọi đó là “làng con lai”, tức là kết hôn với người nước ngoài xong, người phụ nữ sau khi có con lại đưa về cho ông bà chăm. Các bé trưởng thành trong một môi trường thiếu cha, thiếu mẹ hoặc thiếu cả hai, những điều không mong đợi trong cuộc sống gia đình ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của hôn nhân, tương lai của biết bao đứa trẻ”.
Trong cuộc trao đổi với PV, khi biết thực trạng nhiều phụ nữ sẵn sàng đến các nhà hàng để cho những người đàn ông Hàn Quốc “nâng lên đặt xuống” chọn lựa một cách bất hợp pháp, ĐB Kim Yến bức xúc: “Tôi cực lực phản đối những cuộc hôn nhân như vậy. Chúng ta cần tạo các môi trường để những phụ nữ có nhu cầu lấy chồng nước ngoài tiếp xúc, tìm hiểu đối tượng, qua đó tự quyết đời sống hôn nhân của mình”.
Về trách nhiệm để xảy ra tình trạng môi giới hôn nhân bất hợp pháp, ĐB Kim Yến cho rằng: “Các hình thức môi giới hôn nhân trá hình nên chắc chắn việc phát hiện không phải dễ dàng, bởi chúng dùng thủ đoạn tinh vi để qua mắt cơ quan chức năng.
Chính vì thế, tôi nghĩ rằng việc quan trọng là cần tuyên truyền cho mọi người thấy hành vi đó là sai trái và tất cả phải cùng giám sát. Bên cạnh đó, các vụ việc được phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm để có sức răn đe các đối tượng khác”.
Cùng chung quan điểm phản đối các hành vi trên, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH, thẳng thắn cho biết: Vấn đề này đã nhức nhối từ lâu lắm rồi. Các luật sư, Hội LHPN, báo chí đã rất nhiều lần nói đến việc “thi tuyển” cô dâu ở một số tỉnh phía Nam, giờ lại xảy ra ở Hải Phòng như báo thông tin. Chính vì thế phải xem xét và xử lý thật nghiêm để đảm bảo giữ thuần phong mỹ tục và hình ảnh của dân tộc.
“Chúng ta phải có thái độ cương quyết để xử lý vấn đề này. Những cảnh “thi tuyển” cô dâu Việt trước mặt người nước ngoài là trái với đạo lý người Việt. Bản thân tôi cảm thấy đó còn là nỗi nhục của đất nước”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
“Theo các quy định xử lý vi phạm hành chính trong đó có lĩnh vực hôn nhân và gia đình, các cơ quan xử phạt hành chính, đặc biệt là cơ quan công an có phàn nàn nhiều về việc mức xử phạt quá nhẹ thiếu sức răn đe.
Cụ thể, tại khoảng 5, điều 28 Nghị định 110/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã qui định “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi môi giới kết hôn trái pháp luật”.
Chế tài phạt đến 30 triệu đồng là cao nhất đối với hành vi này. Trong khi đó, đây là cách làm ăn mang lại lợi nhuận rất cao. Các cá nhân trả tiền để kiếm vợ cho họ là rất cao. Mức xử phạt như thế là không phù hợp”, ông Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ quan điểm.
ĐB Nhưỡng phân tích thêm: “Đối với người nước ngoài, nếu cần thiết có hình phạt bổ sung là trục xuất, còn đối với người trong nước thì mức phạt như vậy không đủ nặng. Họ sẵn sàng tiếp tay cho vi phạm trong lĩnh vực này. Theo tôi, cần thiết kế chế tài xử lý nặng hơn, thậm chí xem xét xử lý cả về mặt hình sự. Vấn đề quan trọng nhất là việc áp dụng Luật xử phạt vi phạm hành chính đến luật hình sự thì phải có các quy định mang tính tương đối. Đó là một điểm còn bất cập để xử lý vấn đề này”.
ĐB Nhưỡng nêu quan điểm: “Việc sửa Bộ luật Hình sự là điều khó khăn, chính vì thế cần nâng xử phạt hành chính lên. Thậm chí xem xét, nghiên cứu các chế tài bổ sung xứ lý vấn nạn này. Chúng ta cũng phải nghiên cứu đối với những người tham gia vào việc này kể cả các cô gái, gia đình họ là cũng phải có chế tài chứ không chỉ riêng người tổ chức và người nước ngoài.
Bởi nếu các cô gái sợ không đến thì ai tổ chức môi giới được. Phải đánh vào chính lòng tham của bản thân các cô gái và gia đình. Không thể bao biện được việc nhiều cô gái cho rằng mình có chút nhan sắc, nhiều cô cũng có lòng tham muốn đổi đời bằng việc lấy chồng nước ngoài.
Chính việc nhiều người tham gia như vậy cuốn theo những cô gái không có đủ kiến thức, hiểu biết, thiếu kinh nghiệm trong cuộc sống, ngôn ngữ…nên dễ rơi vào cảnh bi đát. May mắn lắm mới có những cô rơi vào trường hợp lấy được chồng tốt.
Những cô gái không may mắn có thể bị rơi vào cảnh bạo hành, đánh đập, bị chia lìa với con. Chính vì thế cần phải xử lý nặng. Cha mẹ nào tham gia vào các cuộc như vậy cũng phải xử lý. Những người như thế là tiếp tay cho vi phạm”.