Quyền được chăm sóc của lao động nữ
Cập nhật lúc 16:05, Thứ năm, 19/03/2020 (GMT+7)
Nếu không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian "đèn đỏ", người sử dụng lao động sẽ bị phạt từ 500.000 đến một triệu đồng.
Ảnh minh hoạ
Đây là quy định tại điều 27 Nghị định 28/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, có hiệu lực từ 15/4.
Dành riêng một điều về lao động nữ, nghị định 28/2020 cho phép phạt từ 10 đến 20 triệu đồng với người sử dụng lao động nếu buộc nhân viên mang thai từ tháng thứ 6 hay đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ, làm việc ban đêm và đi công tác xa; không chuyển công việc nặng nhọc hoặc giảm giờ làm người mang thai từ tháng thứ 7; không cho nghỉ 60 phút mỗi ngày trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Khung phạt trên cũng áp dụng với hành vi không bảo đảm việc làm cũ khi lao động trở lại làm việc sau khi hết thời gian nghỉ thai sản, trừ trường hợp việc làm cũ không còn; sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi; kỷ luật với lao động đang mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Nghị định 28/2020 không tăng mức phạt với các lỗi trên so với quy định hiện hành song lại quy định ngoài phạt tiền, người sử dụng lao động còn phải trả tiền lương làm thêm giờ bù vào thời gian đó và buộc nhận người lao động trở lại làm việc khi tuỳ tiện sa thải.
Lần đầu tiên, nhà chức trách sẽ phạt 10-15 triệu đồng nếu người sử dụng lao động áp dụng nhiều hình thức kỷ luật lao động với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động. Mức phạt từ 500.000 đến một triệu đồng áp dụng với người sử dụng lao động hằng năm không niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Nghị định 28/2020 thay thế Nghị định số 95/2013/NĐ-CP, Nghị định số 88/2015/NĐ-CP.
Theo vnexpress