Ảnh minh họa
Nhưng yếu tố bản năng sinh học đó lại thể hiện dưới những hình thức khác nhau tùy theo bản chất nền văn hóa của mỗi xã hội con người qua thời gian và không gian. Từ bộ lạc nguyên thủy chuyển sang phong kiến, tư bản chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa, ngày nay việc sinh con nói chung được thực hiện qua khuôn khổ gia đình một vợ một chồng, được đạo đức xã hội coi trọng.
Nhưng từ sau Thế chiến II, đặc biệt tại các nước phương Tây, quan niệm ấy bị rung chuyển do cách mạng công nghiệp lần thứ ba, sự xuất hiện xã hội tiêu thụ, cách mạng tình dục, hiện tượng ly dị và nam nữ sống chung không cưới xin trở thành phổ biến, nhiều trào lưu theo lối sống buông thả “hiện đại”.
Chịu ảnh hưởng gián tiếp ít nhiều (qua phim, ti vi, đài, sách báo, Việt kiều...) của bối cảnh quốc tế ấy, và nhất là qua những xáo trộn kinh tế, xã hội của cách mạng, chiến tranh và đổi mới, cấu trúc gia đình của ta, tuy còn đậm màu sắc Khổng học, đã có nhiều rạn nứt. Đặc biệt, dư luận xã hội không còn quá khắt khe đối với những phụ nữ do hoàn cảnh (chiến tranh, nghèo, xấu..) có con ngoài giá thú, hoặc cương quyết bỏ chồng vì con....
Vấn đề cũng tương tự như ở Nhật Bản, một quốc gia tuy tiên tiến về mọi mặt, nhưng vẫn có thành kiến khá nặng nề về vấn đề này. Nhà báo Keiko Tatsuta (Kyodo – 2002) đã nhận định: “Càng ngày càng có nhiều phụ nữ Nhật dám làm mẹ, sống riêng với con”, nghĩa là có gan chấp nhận dư luận. Bà đưa ra một số thí dụ điển hình: Chị Imade, 39 tuổi, lấy chồng năm 27 tuổi, ly dị năm 29 tuổi vì sống với chồng căng thẳng đến mức không có dịp sinh đẻ. “Tôi ngán đời sống vợ chồng quá”, chị nói, “nhưng tôi muốn có con”. Chị đi lại với một người đàn ông đã có gia đình. Khi bỏ chồng, ốm yếu, về sống với cha mẹ ít lâu, chị vui mừng thấy mình có thai. “Nhưng tôi cảm thấy đau khổ vì không thể nói sự thật cho bố mẹ biết, tuy thực tình tôi nghĩ có con mà không có chồng thì cũng chả sao”. Chị làm kế toán, lương khá. Người đàn ông kia đã hứa hẹn với chị, nhưng lại làm lành với vợ. “Tôi nghĩ nếu có lấy anh ta thì rồi tôi cũng sẽ ly dị mà thôi, vì tôi đã có quá nhiều ảo vọng về anh. Làm mẹ mà không có chồng có cái hay là có thể toàn tâm toàn ý vào con”. Cuối cùng, bố mẹ chấp nhận cách sống của chị và giúp đỡ chị. Chị kết luận: “Không phải tôi không lo ngại, nhưng tôi ổn định tinh thần, đó là sự lựa chọn đúng đắn trong cuộc đời tôi”.
Số phụ nữ không chồng có con không ngừng tăng ở Nhật Bản. Số hộ mẹ con (phụ nữ không hôn thú) là 69.300. Một tổ chức các bà mẹ ở một mình tại Tokua cho biết là con số hội viên tăng 28% ngay từ năm 2001.
Luật gia M. Fukushima nhận định: Vì hiện tượng tình dục trước hôn nhân và nam nữ sống chung không cưới xin tăng nhiều, những thành kiến về phụ nữ sinh con không cưới xin cũng giảm đi đáng kể.
Trước đây, nếu cuộc tình duyên dang dở chưa đi đến hôn nhân mà nữ đã có thai thì thường dùng biện pháp phá thai. Nhưng giờ thì khoa học đã chứng minh là phá thai có hại cho sức khỏe.
Chị Fukushima, Tổng thư ký Đảng Dân chủ xã hội, cách đây 15 năm sinh con gái mà không đăng ký kết hôn. Chị nhận định là từ ngày đó, dư luận xã hội ít nhiều thông cảm hơn đối với trường hợp phụ nữ sinh con ngoài giá thú.
Chị Matsumoto sống một mình nuôi con trai lên bốn tuổi. Kể cũng khá vất vả. Khi con lên ba, chị theo học một lớp đào tạo sáu tháng để có nghiệp vụ trông trẻ ban ngày cho các gia đình bận đi làm việc, như thế là tạm ổn. Theo ý chị, nếu số con ngoài giá thú tăng nhiều, thì chúng đỡ bị dư luận thành kiến hơn.
Phụ nữ theo đạo Thiên Chúa không được phép phá thai, nên thường trao con sinh ngoài giá thú cho ai muốn nhận con nuôi. Chị Ichikawa mong muốn có một xã hội cho phép sinh con dưới nhiều hình thức, không nhất thiết qua hôn nhân. Luật gia Fukushima đồng tình: “Hình thức gia đình có thể đa dạng hóa. Chỉ cần đứa trẻ lớn lên trong tình thương mà thôi!”
Hữu Ngọc/ Theo Thế giới và Việt Nam