leftcenterrightdel
Lên án kẻ quấy rối, xâm hại tình dục phụ nữ là cần thiết, song không thể viện lý do đó để nhục mạ người vô tội. Ảnh: SMH. 

“Là người mẹ, người vợ, tôi thấy rằng mình phải chịu một phần trách nhiệm trong việc này, nhưng con tôi, các cháu không có tội. Sự việc lần này nó như bản án chung thân đối với gia đình tôi, nó sẽ là ký ức đau buồn mà suốt cuộc đời này tôi không bao giờ quên.

Những ngày qua, tôi và các con đã cố gắng chịu đựng, nhưng đến ngày hôm nay tôi phải thừa nhận rằng tôi và các con tôi đã không chịu nổi sức ép từ các bạn, từ dư luận và xã hội".

Đó là những lời bà Trần Thị Thanh Tân - vợ ông Nguyễn Hữu Linh, người từng bị kết án 18 tháng tù giam vì tội dâm ô trẻ em - viết trong tâm thư vào tháng 4/2019, thời điểm vụ việc là tâm điểm chú ý của dư luận.

Điểm dễ nhận thấy là khi một vụ việc tấn công tình dục xảy ra, ngoài kẻ gây chuyện, vợ, con của người này cũng trở thành đối tượng bị xã hội tấn công.

Điều cần hiểu nằm ở chỗ họ là những người vô tội và không làm điều gì trái pháp luật, song lại bị liên đới và ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Những kẻ ấu dâm, hiếp dâm hay tội phạm tình dục nói chung mới đáng bị lên án, chứ không phải gia đình họ.

Đám đông giận dữ

Trong vụ việc của ông Nguyễn Hữu Linh, vợ, con của người này từng phải chuyển đến nơi khác một thời gian, sau khi ngôi nhà bị những người lạ mặt tới xịt sơn, ném chất bẩn vào bên trong. Thậm chí, một số nhóm người trẻ còn rủ nhau tới check-in, tạo dáng cười đùa, vui vẻ trước cửa nhà.

Các hình ảnh rõ mặt, thông tin về công việc của họ cũng bị chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, kèm lời lẽ xúc phạm, chỉ trích từ cộng đồng mạng.

Theo nhà báo Đỗ Thùy Linh từng chia sẻ trên Zing, trong nhiều vụ tấn công tình dục, công chúng đôi khi quá phẫn nộ, muốn trút giận lên cả gia đình và người thân của người phạm tội.

"Một tâm lý khác là sốt ruột khi tiền lệ bản án dành cho kẻ có tội những vụ án tương tự còn quá nhẹ; nhiều người chĩa mũi dùi vào gia đình kẻ có tội".

leftcenterrightdel
Trong các vụ tấn công tình dục, người ngoài sẽ không chỉ tò mò nạn nhân, thủ phạm là ai, mà còn muốn biết về danh tính gia đình, người thân của kẻ gây ra chuyện. Ảnh minh họa: Folha PE. 

Theo nữ nhà báo, xét trên phương diện cảm xúc, đám đông không hề sai. Thế nhưng, đứng trên góc độ luật pháp, những hành động giận dữ như chia sẻ thông tin, hình ảnh, dùng lời lẽ miệt thị hay có hành động phá hoại rõ ràng là không đúng.

Năm 2012, HLV bóng bầu dục nổi tiếng Jerry Sandusky bị đưa ra xét xử sau một loạt cáo buộc dâm ô với trẻ em nam suốt nhiều năm. Sandusky thường hứa hẹn với nạn nhân về tương lai chơi bóng, sau đó mời về nhà và lạm dụng.

Bà Dottie, vợ của vị HLV kể trên, cũng bị bêu riếu theo dù không có tội.

Công chúng bắt đầu đặt ra những câu hỏi liệu bà có tiếp tay cho chồng khi cho phép ông Sandusky mang những đứa trẻ về chăm sóc như con. Hay chuyện xâm hại diễn ra ngay trong nhà mà sao bà lại không biết? Sao bà không cảm nhận được ham muốn tình dục bất thường của chồng?

Nỗi khổ của người vợ

Theo CMSAC, trong các vụ liên quan đến tội phạm tình dục, ngoài nạn nhân trực tiếp trải qua vụ việc, có một nhóm nạn nhân thứ cấp (secondary victims) bao gồm những người biết người thân của họ từng bị bạo lực tình dục. Vụ việc có thể ảnh hưởng xấu đến cảm xúc, tinh thần, sức khỏe của họ và mối quan hệ với nạn nhân chính.

Tuy vậy, ít ai nhắc đến nỗi đau của những gia đình có chồng/cha vướng vào các cáo buộc như hiếp dâm, ấu dâm. Theo Vox, vợ, con của những tội phạm tình dục chịu cảm giác xấu hổ, tủi nhục và bị tổn thương, khó vượt qua "bóng ma" tâm lý dù không làm gì sai.

leftcenterrightdel
Sau scandal của chồng, Đổng Tuyền phải chịu cả áp lực về tinh thần lẫn tài chính. Ảnh: iFeng. 

Tháng 3/2018, nam diễn viên Trung Quốc Cao Vân Tường bị tố cưỡng hiếp 1 cô gái ở Sydney (Australia). Trong thời điểm chồng bị tạm giam ở Australia, người vợ khi đó của Cao Vân Tường là Đổng Tuyền gánh chịu áp lực lớn.

Nữ diễn viên chấp thuận từ bỏ công việc ở Trung Quốc, đưa mẹ chồng và con gái sang Australia sinh sống trong thời gian điều tra, xét xử vụ án.

Cô không dám nghe điện thoại của người lạ, nhưng chấp nhận mở máy để không bỏ lỡ tin tức có thể hỗ trợ chồng. Tại các phiên tòa xét xử, Đổng Tuyền luôn im lặng trước câu hỏi của truyền thông.

Về sau, Đồng Tuyển còn phải đối mặt các khoản tiền đền bù tổn thất các dự án phim do scandal của Cao Vân Tường gây ra, ngay cả khi hai người đã ly dị.

Năm 2005, một tháng sau lễ cưới, Shannon Moroney (Anh) nhận được cuộc gọi thông báo từ cảnh sát rằng chồng cô đã bị bắt vì cáo buộc tấn công tình dục 2 người phụ nữ.

"Anh ta đã có vợ. Cô ấy là ai? Cô ấy có vấn đề gì không? Liệu cô ta có phải là một phần của vụ việc", Shannon kể về những nghi vấn dồn lên mình sau khi tin tức được đưa lên báo đài.

leftcenterrightdel
Shannon Moroney bên cạnh chồng - người bị đi tù vì tội tấn công tình dục phụ nữ. Ảnh: Vox. 

Người phụ nữ cho hay dù có đồng cảm với nạn nhân và muốn giúp đỡ họ, cô chỉ nhận lại những ánh mắt, lời nói phán xét từ người xung quanh.

"Một số bạn bè nói rằng tôi không biết những người phụ nữ đó sẽ không thể hồi phục hoàn toàn sao và tôi không thể có dành lòng trắc ẩn cho cả chồng lẫn nạn nhân", cô kể lại.

Trong khi Jason trải qua 9 tháng biệt giam, Shannon ở bên ngoài để giải quyết hậu quả, "hoàn toàn không được bảo vệ và dễ dàng thành mục tiêu để phán xét và đổ lỗi".

Cô bị cho thôi việc, mất thu nhập và nhiều mối quan hệ khác cũng tan vỡ theo.

Sau khi Jason phải ngồi tù, Shannon hoàn tất thủ tục ly dị và phải đi gặp bác sĩ trị liệu, xây dựng lại cuộc sống từ đầu sau biến cố. Năm 2008, cô lần đầu chia sẻ công khai câu chuyện của mình.

"Ngoài kia, rất nhiều người thân của những người bị buộc tội hoặc phạm tội tấn công tình dục phải chịu đựng sự soi mói, đổ lỗi của công chúng. Họ đau buồn, tổn thương, tránh gặp mặt người khác và cũng cần được giúp đỡ, cảm thông", Shannon nói về lý do quyết định kể ra câu chuyện của mình.

Theo zingnews