Bà Huyền (bìa trái) trao đổi với luật sư sau khi tòa phúc thẩm tuyên án.

Ngày 29.8, TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, bác kháng cáo của ông Azais Alexandre Stephane (43 tuổi, quốc tịch Pháp), y án sơ thẩm giải quyết việc dân sự theo yêu cầu của bà Nguyễn Thị Thanh Huyền (33 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM).
Theo đó, HĐXX phúc thẩm công nhận, cho thi hành tại Việt Nam phán quyết về hôn nhân và gia đình ngày 23.6.2016 của Tòa sơ thẩm thẩm quyền rộng Albi - Cộng hòa Pháp (gọi tắt là tòa Albi).

Theo HĐXX phúc thẩm, phán quyết của tòa Albi tuyên xử về người trực tiếp nuôi con, về nghĩa vụ cấp dưỡng, về trách nhiệm, nghĩa vụ của cha mẹ đối với con phù hợp với quy định của Việt Nam nên cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Thị Thanh Huyền về việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam là phù hợp.
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX nhận định giữa Việt Nam và Pháp có ký Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự từ tháng 2.1999.
Điều 21 của Hiệp định nêu trên quy định về điều kiện công nhận và cho thi hành: “Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và được cho thi hành. Tuy nhiên, đối với các vấn đề về nghĩa vụ cấp dưỡng, quyền nuôi dưỡng hoặc quyền thăm nom người chưa thành niên, thì bản án, quyết định có thể chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay trên lãnh thổ của nước ký kết đã ra bản án, quyết định đó”. 
Ngày 29.8, lần đầu tiên ông Azais xuất hiện tại tòa, trình bày mong muốn cung cấp chứng cứ mới là các file ghi âm thể hiện các nội dung mà ông cho rằng tòa án tại Pháp đã xử không công bằng.
Tuy nhiên, chủ tọa giải thích cho ông Azai (thông qua người phiên dịch) rằng tòa án Việt Nam không xem xét nội dung phán quyết của tòa Albi là đúng hay sai, mà chỉ xem xét phán quyết của tòa Albi có trái với pháp luật của Việt Nam hay không, để công nhận hay không nhận phán quyết đó.
“Nếu ông cho rằng phán quyết của tòa Albi ảnh hưởng đến quyền lợi của con chung thì ông có quyền khởi kiện yêu cầu thay đổi quyền nuôi con”, chủ tọa nhấn mạnh.
Trong thời gian HĐXX nghị án, ông Azais bỏ ra ngoài và vắng mặt khi HĐXX phúc thẩm tuyên án.
Tòa án tại Pháp tuyên người mẹ Việt được quyền nuôi con
Nội dung phán quyết của tòa án tại Pháp có nội dung: Ông Azais phải ngay lập tức giao người con chung giữa ông và bà Huyền cho bà Huyền trực tiếp nuôi dưỡng. Nơi thường trú của con là nơi đăng ký thường trú của bà Huyền tại Việt Nam.
Ngoài ra, phán quyết nêu ông Azais chịu trách nhiệm trợ cấp cho con toàn bộ học phí tại 1 trường của Pháp hoặc trường quốc tế từ thời điểm bé học mẫu giáo.
Ông Azais và bà Huyền phải cùng nhau đưa ra các quyết định quan trọng liên quan đặc biệt đến sức khỏe, học tập, giáo dục, tôn giáo, xuất cảnh… của con, thông tin kịp thời cho người kia về bất kỳ thay đổi nơi thường trú.
Ông Azais thực hiện quyền thăm nom và tạm trú tất cả các ngày thứ 7 của các tuần chẵn từ 9 - 18 giờ tại nơi đăng ký thường trú của bà Huyền và 1 lần/năm tại Pháp, chi phí đi lại của con và mẹ do người cha đảm nhiệm.
Người mẹ Việt lặn lội sang Pháp giành quyền nuôi con
Theo nội dung bản án, năm 2013, ông Azais và bà Huyền tự nguyện chung sống với nhau như vợ chồng. Năm 2014, do bất đồng quan điểm nên hai bên không tiếp tục chung sống với nhau và thời điểm này, bà Huyền mang thai.
Tháng 8.2014, bà Huyền sinh con đã báo tin cho ông Azais để cả hai cùng chăm sóc, nuôi dưỡng con.
Sau đó, ông Azais trực tiếp đi đăng ký khai sinh cho con, ông cấp dưỡng nuôi con bằng hình thức trả tiền thuê nhà cho hai mẹ con bà Huyền. Ông Azais cũng thường xuyên đến thăm con và được bà Huyền cho phép ông đưa con đi chơi.
Đến ngày 29.11.2014, ông Azais đưa con về nhà riêng và không trả lại con cho bà Huyền, đồng thời ngăn cản việc bà Huyền gặp con.
Phát hiện ông Azais đưa con sang Pháp, bà Huyền đã liên tục qua Pháp làm đơn khởi kiện ra tòa án Pháp đòi quyền trực tiếp chăm sóc con.
Sau khi nhận được phán quyết của tòa sơ thẩm thẩm quyền rộng Albi, bà Huyền về Việt Nam gửi đơn ra tòa án Việt Nam yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án nước ngoài.
Quá trình TAND TP.HCM thụ lý và xử sơ thẩm, ông Azais liên tục vắng mặt, không đến tham dự phiên tòa. Sau phiên tòa sơ thẩm,ông Azais nộp đơn kháng cáo.


Theo Thanh niên