leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

 

Cách đây hơn ba tháng, khi dịch COVID-19 có dấu hiệu lan tràn, chị tôi ở quê lo lắng hốt hoảng. Mỗi ngày hàng chục lần chị kêu gọi con trai 20 tuổi mau chóng tìm cách về quê. 

Hoàng, con trai chị, cam kết với mẹ sẽ chỉ ở nhà, tuyệt đối không ra ngoài, rằng vi-rút không có chân đi, là do người bệnh bất cẩn mà thôi. 

Nhưng chị không tin, vì con trai chị vốn ưa xê dịch. Chị than, đứa con suốt ngày cơm hàng cháo chợ, không sắm sửa bếp núc, tô chén, làm sao sống nổi qua mùa dịch?

Thật ra, dự đoán dịch bệnh ngày càng nguy cơ, Hoàng đã mua bếp từ, nồi cơm điện, một cái chảo, một cái xoong, bình thủy đựng nước nóng, trong tủ lạnh thì có các thứ để lâu, bên ngoài có dầu mắm, đặc biệt gạo và mì gói, trứng và khô cá…

May cho Hoàng là cách phòng trọ gần 200 mét là siêu thị tiện lợi, họ vẫn giao hàng suốt mùa giãn cách. Hoàng hứa với mẹ: “Con không muốn mất uy tín với mẹ, nên nhất định sẽ giữ mình khỏe mạnh”. 

Từ ngày có bếp, hôm Hoàng nấu nui xào, hôm hủ tíu. Có hôm kho cá mặn, hay trứng chiên, với canh bí đỏ hay bí đao.

Mới… vào nghề, Hoàng nấu bữa mặn bữa nhạt, bữa nhiều bữa ít, dường như khi nấu, đều có “chị Google” bên cạnh. Thực đơn khá phong phú, nhưng Hoàng than ăn một mình hơi buồn, ở công ty ăn với đồng nghiệp vui hơn. Chị tôi động viên con: “Dịch giã, đừng nghĩ chuyện vui buồn, mà nghĩ chuyện an toàn”. 

Chị không ngờ đứa con chưa từng vào bếp, chưa từng biết nhặt cọng hành, chưa từng chiên trứng, giờ có thể nấu ăn được rồi, còn nấu những món mà chị chưa từng nếm thử.

Về phía Hoàng, chưa bao giờ cậu háo hức với bếp như lúc này, và nhận ra vào bếp không có gì khó. Nấu một bữa ăn ngon cho bản thân, cho người thân, Hoàng đã sẵn sàng, có khó khăn gì thì internet hỗ trợ.

Hoàng nói với mẹ, khi dịch bệnh kết thúc, việc đầu tiên là Hoàng mua ngay cái tạp dề, sẽ mời vài người bạn thân, trong đó có cô bạn gái mà Hoàng đang “nghía”, để ra mắt gian bếp tròm trèm bốn mét vuông, và trổ tài nấu ăn. Biết đâu, sau sự kiện ấy, vì mến mộ tài vào bếp, mà cô bạn gái chấp nhận làm người yêu Hoàng thì sao. 

Nghe con chia sẻ, chị mừng. Tự nấu ăn mà nhìn con tròn trịa, đẹp trai hẳn ra. Một người đàn ông biết nấu ăn, trước hết không làm phiền người khác, và sẽ là người có trách nhiệm với bếp núc, với tổ ấm của mình. Đàn ông biết nấu ăn cũng là lợi thế… tìm vợ. 

Rõ ràng, dịch bệnh khiến con trưởng thành. Chị mừng khi con bảo tương lai còn phơi phới, bằng mọi giá không để… mắc dịch. Những dự định chưa làm được là động lực giúp con hướng về phía trước.

Dần dà, chị không còn quá lo lắng cho con nữa, những cuộc gọi sau là hỏi thăm sức khỏe, kể chuyện quê nhà. Con cũng kể mẹ nghe chuyện con không thuộc tuyến đầu chống dịch, trong khu phố con là cánh tay đắc lực của các cô chú tổ trưởng, tổ phó, nên con không đối diện quá nhiều rủi ro, con có ý thức về dịch bệnh, thì nhất định con sẽ bình an.

Chị động viên con khi dịch bệnh được kiểm soát, xe cộ lưu thông, chị sẽ gửi những món ăn quê nhà cho con. Con đã có sẵn bếp núc, chỉ cần bật lửa, dù ở một mình vẫn thấy ấm áp. Thời nay, đàn ông con trai không biết vào bếp là lạc hậu.

Con bảo nếu 30 tuổi mới lấy vợ, thì con có đến 10 năm gắn bó với bếp, mà những ngày dịch bệnh bùng phát dữ dội này, là những ngày trải nghiệm đầu tiên. 

Theo phunuonline