Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. (ảnh: TTXVN)
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) đặt vấn đề, vừa qua, cử tri phản ánh người lao động Việt Nam đi lao động nước ngoài phải trả chi phí môi giới cao hơn nhiều lần so với các nước khác trong khối ASEAN, việc bảo vệ quyền lợi người lao động gặp nhiều khó khăn. Có nhiều trường hợp người lao động sang tới nơi thì không liên lạc được với môi giới ở nhà.
Mặt khác, tình trạng người lao động tự ý phá bỏ hợp đồng, bỏ ra ngoài làm việc gây thiệt hại cho người sử dụng lao động và làm mất ổn định thị trường lao động của nước đối tác và làm giảm uy tín của lao động Việt Nam.
Đại biểu tỉnh Bắc Giang đề nghị Chính phủ cho biết thực trạng cụ thể hiện nay, trách nhiệm quản lý và biện pháp khắc phục trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi của đại biểu tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, nếu như năm 2017 người Việt Nam sang nước ngoài làm việc chỉ xấp xỉ 127.000 người, thì đến năm 2018 con số đã tăng lên khoảng 143.000 người.
Không chỉ tăng số lượng mà địa bàn lao động cũng được mở rộng như Australia, Đức, Romania và gần đây nối lại với Czech sau một thời gian gián đoạn.
Về vấn đề lao động Việt Nam có chi phí môi giới cao, ông Đào Ngọc Dung giải thích tại một số nước, các doanh nghiệp chỉ đưa người lao động đi sang nước ngoài lao động là hết trách nhiệm. Trong khi đó, tại Việt Nam, các doanh nghiệp còn phải quản lý, thậm chí tham gia xử lý những việc liên quan đến người lao động khi có vấn đề xảy ra tại nước đối tác.
Hiện nay, có khoảng 350 doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đưa người Việt Nam sang nước ngoài làm việc. Doanh nghiệp Việt căn cứ vào các quy định pháp luật và hiệp định lao động giữa 2 nước để quy định mức tiền chi trả.
Bộ trưởng LĐTB&XH cho biết, về thông tin lao động Việt phá vỡ hợp động, tự ý bỏ ra ngoài làm việc chủ yếu xảy ra ở Hàn Quốc. Năm 2016 được đánh giá là năm có tỷ lệ lao động bỏ ra ngoài cao nhất, ở mức 55%. Tuy nhiên đến nay, con số này còn 33% và nước đối tác cho rằng, đây là tỷ lệ chấp nhận được./.
Theo Quê Hương