Bước vào bậc THPT, học sinh thường lo lắng tự hỏi sẽ làm gì trong tương lai? Nếu bạn không chắc chắn về điều này cũng đừng quá lo lắng. Hãy tham khảo gợi ý sau để bắt đầu hành trình sự nghiệp của bạn.

Khám phá bạn là ai?

Câu hỏi này nghe có vẻ vĩ mô và to tát, nhưng chỉ cần hiểu đơn giản đó là những gì bạn thích, là điểm mạnh của bạn. Thế giới việc làm đang thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi các bạn trẻ chủ động, kỹ năng phải thành thạo hơn. Vì vậy lựa chọn nghề nghiệp trên điểm mạnh và sở thích sẽ là xu thế tất yếu, là nền tảng cho sự thành công sau này.

Hãy liệt kê hoạt động bạn thích tham gia hay bộ phim, chương trình truyền hình yêu thích..., bất cứ thứ gì mà bạn quan tâm. Sau đó, hãy tự hỏi tại sao bạn thích những hoạt động đó. Ví dụ, bạn yêu thích tình nguyện vì muốn giúp đỡ người khác thì những nghề nghiệp liên quan đến vấn đề xã hội có thể là lựa chọn. Ngược lại, nếu bạn thích làm việc với máy móc bởi yêu thích cấu trúc, giỏi phân tích logic thì nghề kỹ thuật hay liên quan đến số liệu có thể là lựa chọn phù hợp.

Hiểu được điều này bạn sẽ biết nên tham gia những trải nghiệm và hoạt động ngoại khóa nào cho phù hợp. Nó không chỉ giúp bạn rèn luyện kỹ năng, phân tích nghề nghiệp nào phù hợp mà còn hoàn thiện bản thân, xác định lại sở thích và điểm mạnh của chính mình.

Môn học nào bạn yêu thích và giỏi?

Những môn học nào đang yêu thích và là thế mạnh của bạn? Đây có thể là điểm xuất phát cho hành trình sự nghiệp một cách tự nhiên. Việc biết được những môn học yêu thích và thế mạnh cũng giúp bạn lựa chọn khối thi, đặt mục tiêu vào những ngành và trường phù hợp.

Nếu bạn nghiêng về môn ngoại ngữ hay văn học, những nghề cần khả năng ngôn ngữ như truyền thông có thể phù hợp. Nếu bạn mạnh về các môn toán và khoa học, những nghề kỹ thuật hay công nghệ là sự lựa chọn không tồi. Còn nếu bạn yêu thích thể dục, một công việc giúp bạn vận động và dành thời gian ở ngoài trời có thể được cân nhắc, chẳng hạn chăm sóc cảnh quan, cây cối.

Nếu không thích học tập, bạn hoàn toàn có thể nghĩ đến việc kiếm tiền ngay sau khi tốt nghiệp THPT. Hãy xem xét học việc học nghề ngay trong môi trường công việc của bạn.

                   Anh Nguyễn Việt Linh, chuyên gia định hướng nghề nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thực hiện các bài đánh giá nghề nghiệp

Các bài đánh giá nghề nghiệp thường là một loạt câu hỏi nhằm giúp bạn hiểu rõ bản thân, tìm công việc phù hợp nhất với tính cách, mong muốn và mục tiêu của bạn. Trong công việc, ngoài tiền lương và sự thăng tiến thì còn nhiều yếu tố như môi trường làm việc, những giá trị có được, các loại kỹ năng sử dụng... sẽ quyết định sự hài lòng của bạn. Vì vậy những bài đánh giá này sẽ cung cấp thông tin một cách đầy đủ hơn cho lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai của bạn.

Các bài đánh giá nghề nghiệp thông thường được chia thành hai loại: Đánh giá tính cách và đánh giá nghề nghiệp. Lời khuyên là bạn nên thực hiện cả hai để có có cái nhìn tổng thể về công việc, môi trường làm việc trong tương lai. Trên thế giới có rất nhiều công cụ đánh giá cá nhân cũng như nghề nghiệp, như: DISC, MBTI, PSI, Big Five, Holland Code, Knowdell cards... Nhiều bài đánh giá được thực hiện miễn phí và bạn có thể dễ dàng tìm kiếm trên Internet khi gõ các từ khóa liên quan bằng tiếng Anh.

Bạn mong muốn điều gì?

Như đã nói, ngoài tiền lương, sự thăng tiến thì mọi người tìm kiếm nhiều điều khác trong công việc. Có người coi trọng sự cân bằng cuộc sống, có người thích làm việc với áp lực cao, có người muốn sự sáng tạo, hay làm những việc có cấu trúc sẵn.

Một khi xác định được điều mình muốn, bạn sẽ có câu trả lời về động lực thúc đẩy làm tốt nhất công việc. Chẳng hạn một trong những điều mong muốn của bạn là "sự ổn định" thì nghề hành chính văn phòng có thể phù hợp, nhưng những nghề nghiệp cần sự mạnh mẽ, quyết liệt như kinh doanh sẽ không phù hợp.

Không phải lúc nào bạn cũng biết thực sự điều mình muốn có chính xác không. Hãy tìm cho mình những người có kinh nghiệm như cha mẹ, giáo viên, chuyên gia hướng nghiệp hay những người đã có kinh nghiệm làm việc. Bằng kinh nghiệm, họ có thể cung cấp góc nhìn có giá trị giúp bạn nhận diện được những điều mong muốn để giúp bạn lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.

Hãy thực hiện việc này thường xuyên bằng cách ghi chú vào cuốn sổ nhỏ hay trên thiết bị điện tử như smart phone, máy tính. Những điều này thậm chí có thể thay đổi hàng ngày, nhưng theo dõi trong suốt quá trình dài bạn sẽ thấy những mong muốn gắn bó với bạn trong suốt hành trình sự nghiệp.

Những kỹ năng nào khiến bạn hứng thú?

Kỹ năng là thứ không thể thiếu khi thực hiện công việc và gắn bó trong suốt hành trình sự nghiệp. Sẽ rất tuyệt vời khi lựa chọn một nghề nghiệp mà thường xuyên được sử dụng những kỹ năng tạo cảm hứng cho bạn.

Nếu bạn thích viết đương nhiên những công việc sáng tạo nội dung có thể phù hợp, nếu bạn thích việc lắp ráp máy móc thì những nghề cơ khí là lựa chọn không tồi. Có thể dễ dàng tìm kiếm kỹ năng cần thiết cho tương lai bằng các từ khóa hay qua bản mô tả công việc của nghề nghiệp mà bạn quan tâm.

Trải nghiệm và tích lũy

Bây giờ bạn đã có một vài ý tưởng nghề nghiệp, cách tốt nhất để xem liệu chúng có phù hợp hay không là sự trải nghiệm. Hãy bắt đầu từ những công việc hàng ngày trong cuộc sống hay học tập. Trong giai đoạn THPT, hãy nắm bắt cơ hội, trải nghiệm nhiều hoạt động ngoại khóa, giúp đỡ gia đình, nhà trường và xã hội. Đây không chỉ là cơ hội để bạn nhìn lại bản thân, xem nghề nghiệp nào phù hợp với mình mà còn rèn luyện nhân cách để trở thành người thành công sau này.

Hãy cân nhắc trở thành tình nguyện viên hay công việc ngắn hạn trong mùa hè. Những kinh nghiệm này có thể mang lại nhiều lợi ích, ngay cả khi bạn không tiếp tục theo đuổi nghề nghiệp đó. Nó giúp nâng cao kỹ năng và thêm mối quan hệ, giúp bạn có thêm hiểu biết về môi trường làm việc. Ngoài ra, nó cũng sẽ giúp ích cho công việc sau này của bạn hay khi xin học bổng của trường đại học.

Chọn ngành và chọn trường

Cho dù học tiếp sau THPT không phải con đường duy nhất, ở Việt Nam nó vẫn là xu thế được ưu tiên. Sau quá trình trải nghiệm, bạn đã cân nhắc đến sự nghiệp tương lai của mình. Hãy lập danh sách có chọn lọc nghề nghiệp bạn quan tâm.

Sau đó, bắt đầu nghiên cứu sâu vào từng lĩnh vực, xem xét các yêu cầu về học tập cho từng công việc, cùng với triển vọng nghề nghiệp trong tương lai. Hãy trả lời câu hỏi lĩnh vực này liệu có phát triển trong tương lai hay thu nhập sẽ ra sao? Giai đoạn này ngoài việc tra cứu thông tin trên Internet, bạn sẽ rất cần ý kiến của những người đi làm lâu năm, người làm hướng nghiệp, cha mẹ và thầy cô.

Khi đã chọn được ngành nghề thì việc lựa chọn trường học sẽ là giai đoạn tiếp theo. Hãy chọn những trường có điểm số phù hợp với học lực, điều kiện gia đình và cung cấp bằng cấp tốt nhất trong lĩnh vực bạn quan tâm. Nên có những lựa chọn sớm từ đầu năm lớp 12, tránh việc "nước đến chân mới nhảy" khiến bạn có thể đưa ra những lựa chọn không phù hợp.

Mặc dù lựa chọn nghề nghiệp và các trường là quyết định rất lớn, đừng để nó ảnh hưởng quá lớn đến bạn. Bởi nếu quá áp lực có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập và thi cử, thậm chí gây mâu thuẫn trong gia đình. Rất nhiều người thay đổi nghề nghiệp và vẫn thành công. Vì vậy nếu một ngày bạn chợt nhận ra không hài lòng với lựa chọn của mình, hãy suy nghĩ tích cực bởi không bao giờ là quá muộn để thử một thứ mới.

Theo vnexpress