Chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản (chương trình EPA) được thực hiện từ năm 2012 đến nay theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA). Đây là chương trình phi lợi nhuận dành cho người lao động (NLĐ) thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; NLĐ trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo... do Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp làm đầu mối thực hiện chương trình.
Chạm tay vào ước mơ
Hơn 1 tháng đặt chân sang Nhật Bản làm việc theo chương trình EPA, Vũ Thị Hương (23 tuổi, quê Quảng Bình) vẫn chưa tin mình đã thực hiện được ước mơ ra nước ngoài làm việc.
Gia cảnh quá khó khăn nên dù đủ điểm vào đại học nhưng Hương chọn học cao đẳng điều dưỡng vì học ở quê sẽ đỡ tốn chi phí, nhanh ra trường, sớm kiếm được tiền hơn. Hiểu được gánh nặng của bố mẹ, là con gái đầu, chị cả của 2 em nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn nên Hương vừa học vừa làm thêm rất nhiều công việc để trang trải cuộc sống.
"Tôi thấy nhiều anh chị cùng quê ra nước ngoài làm việc, cuộc sống và gia đình họ thay đổi nên lúc đó tôi quyết tâm học cho xong rồi đi làm tích lũy tiền làm chi phí để đi. Nhưng 3 năm học kéo dài, chi phí sẽ rất nhiều trong khi gia cảnh thì quá khó. Vì vậy, khi biết chương trình EPA, tôi rất mừng" - Hương kể lại. Ngày Hương khăn gói ra Hà Nội học tiếng, ai cũng lo vì nghĩ chẳng có chương trình nào lại ưu đãi nhiều như vậy.
Bản thân Hương lúc đó cũng rất lo nhưng vẫn quyết tâm. Khi ra tận nơi, Hương mới biết rõ chương trình này do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm nên yên tâm báo về cho bố mẹ khỏi lo và bắt đầu miệt mài học tiếng. Sau hơn 1 năm nỗ lực học tập, Hương là 1 trong 150 ứng viên điều dưỡng, hộ lý khóa 9 xuất cảnh sang Nhật Bản vào cuối tháng 7 vừa qua theo chương trình EPA.
Điều dưỡng, hộ lý Việt Nam được Nhật Bản đánh giá cao
Giờ đây, khi đã chạm tay vào ước mơ, dù đang giai đoạn vừa học vừa làm nhưng Hương cảm thấy mình may mắn khi được làm công việc yêu thích ở một môi trường hiện đại, chuyên nghiệp. Mục tiêu của Hương bây giờ là rèn luyện tay nghề, kỹ năng và học tiếng chuyên sâu để thi đậu chứng chỉ quốc gia của Nhật nhằm có thể làm việc lâu dài. "Tôi sẽ nỗ lực để thi đậu ngay lần đầu, có như vậy tôi mới có cơ hội làm việc dài lâu, mới có thể lo cho 2 em học hành đến nơi đến chốn, giúp bố mẹ có cuộc sống ấm no hơn" - Hương nói.
Ông Nguyễn Như Tuấn, Phó Phòng Thông tin - Truyền thông Dolab, cho biết EPA là một chương trình chất lượng cao được cơ quan nhà nước hai bên trực tiếp phối hợp thực hiện trong tất cả các khâu, từ tuyển chọn, đào tạo, phái cử cho đến quá trình ứng viên học tập và làm việc tại Nhật Bản. NLĐ tham gia chương trình được Chính phủ 2 nước hỗ trợ toàn bộ chi phí từ đào tạo 1 năm tiếng Nhật, ăn ở và sinh hoạt phí trong quá trình đào tạo. Mục tiêu cao nhất là trong thời gian làm việc, ứng viên sẽ tham gia thi và đạt được chứng chỉ điều dưỡng, hộ lý quốc gia của Nhật Bản để có thể làm việc lâu dài tại đây.
Theo ông Tuấn, các điều dưỡng viên, hộ lý viên sẽ làm công việc như: hướng dẫn, giúp bệnh nhân ăn uống, vệ sinh, đi lại, cập nhật báo cáo tình hình của từng người bệnh, nhắc nhở thời gian uống thuốc, hỗ trợ đẩy xe lăn với người bệnh không đi lại được, ghi chép, cập nhật đầy đủ phác đồ điều trị và lịch trình sinh hoạt, báo cáo ngay cho bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời nếu có tình huống đột xuất... Những công việc này rất phù hợp với NLĐ Việt Nam được đào tạo cơ bản trong lĩnh vực này.
Điều dưỡng, hộ lý Việt Nam được đánh giá cao
Theo lãnh đạo Dolab, ứng viên điều dưỡng và hộ lý của Việt Nam làm việc tại Nhật Bản luôn được các bệnh viện, cơ sở chăm sóc người cao tuổi của Nhật Bản đánh giá cao về tính cần mẫn, nhiệt tình trong công việc. Năng lực chuyên môn và trình độ tiếng Nhật của các ứng viên có thể đảm đương được công việc mà nhân viên điều dưỡng, hộ lý người Nhật Bản đang làm.
Qua các đợt thi chứng chỉ điều dưỡng quốc gia của Nhật Bản, các ứng viên điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam đã khẳng định được năng lực vượt trội so với các điều dưỡng viên, hộ lý của các nước khác với tỉ lệ thi đạt chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản rất cao: 37% đối với ứng viên điều dưỡng và 91% đối với ứng viên hộ lý, trong khi đó ứng viên của các nước khác chỉ đạt khoảng 10% đối với điều dưỡng và trên 30% đối với ứng viên hộ lý.
Kết quả khảo sát của Tổ chức Phúc lợi xã hội quốc tế JICWELS - đơn vị đầu mối thuộc Bộ Y tế Phúc lợi xã hội Nhật Bản tham gia triển khai tiếp nhận ứng viên điều dưỡng, hộ lý - cho thấy với đối tượng là viện dưỡng lão và người sử dụng lao động (người nhà và bệnh nhân), 86% đánh giá ứng viên Việt Nam ở mức "khá tốt" và "tốt", qua đó mức độ hài lòng của phía Nhật Bản đối với ứng viên của Việt Nam rất cao.
Nói về cơ hội cho NLĐ Việt Nam làm việc điều dưỡng, hộ lý tại Nhật Bản, bà Dương Thị Thu Cúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH DV Quốc tế Sài Gòn - Saigon Inserco (TP Thủ Đức, TP HCM), cho rằng cơ hội việc làm bền vững, lâu dài cho điều dưỡng, hộ lý Việt Nam tại Nhật Bản là rất lớn. Ở Nhật, đây là công việc rất được xã hội quý trọng bởi Nhật Bản là đất nước trọng người cao tuổi. Phúc lợi cho NLĐ làm việc trong lĩnh vực này cũng khá tốt. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất cho công việc này là trình độ tiếng Nhật. Nếu tiếng Nhật tốt, NLĐ sẽ bắt nhịp rất nhanh với công việc vì kỹ năng và trình độ chuyên môn về điều dưỡng, hộ lý các lao động trẻ người Việt là khá tốt.
"Khi chọn ngành điều dưỡng, hộ lý thì NLĐ không nên hỏi "đi nhanh hay đi chậm" vì nếu đi Nhật Bản khi còn trẻ, chưa được trang bị tốt về chuyên môn, ngoại ngữ, hiểu biết văn hóa, tác phong làm việc chuyên nghiệp thì hiệu quả không cao. Nếu được đào tạo bài bản, có kỹ năng, ngoại ngữ thì sẽ có cơ hội phát triển, học hỏi nhiều hơn để có bước đệm trước khi trở về Việt Nam. Khi có kinh nghiệm, NLĐ sẽ có thu nhập tốt, công việc ổn định, lâu dài" - bà Thu Cúc lưu ý. |
Theo nld