Đó là chia sẻ của Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Phạm Viết Hương tại buổi gặp gỡ lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản theo Chương trình EPA vừa được tổ chức Phúc lợi xã hội quốc tế (JICWELS) phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước tổ chức tại Hà Nội ngày 6/12.

Chương trình phái cử điều dưỡng, hộ lý trong quan hệ hợp tác Việt - Nhật - 1

Ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam tham dự buổi gặp mặt sau khi trở về từ Nhật (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Tại buổi gặp mặt, ông Phạm Viết Hương đánh giá, Chương trình EPA chính là điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, đặt biệt là trong lĩnh vực hợp tác về lao động giữa hai nước. Các ứng viên Việt Nam không chỉ bổ sung vào nguồn nhân lực đang thiếu hụt của Nhật Bản mà còn góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước.

"Những kinh nghiệm, kiến thức mà các ứng viên thu nhận được trong quá trình làm việc tại Nhật Bản đã góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước", ông Hương nhấn mạnh.

Nhấn mạnh năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Nhật Bản và 10 năm triển khai Chương trình EPA, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Phạm Viết Hương mong muốn Chương trình này sẽ tiếp tục được hai nước triển khai hiệu quả trong thời gian tới.

Đánh giá cao năng lực và ý chí của lao động Việt Nam, ông Ishii Chikashisa - Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, các cơ quan hữu quan của Nhật đánh giá rất cao người lao động Việt Nam. Đồng thời nhấn mạnh, buổi gặp mặt được tổ chức nhằm lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng cũng như những ý kiến góp ý để việc triển khai Chương trình sẽ được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

"Quá trình già hóa dân số khiến Nhật Bản đang thiếu hụt rất lớn nguồn nhân lực đặc biệt trong lĩnh vực y tế nên nhu cầu lao động trong lĩnh vực này rất cao", Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nói rằng thời gian tới, nhiều cơ hội sẽ mở ra cho lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi.

Chương trình phái cử điều dưỡng, hộ lý trong quan hệ hợp tác Việt - Nhật - 2

Ông Ishii Chikashisa - Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Ông Ishii Chikashisa bày tỏ cảm ơn những ứng viên đã tham gia Chương trình, những người đã có thời gian làm việc rất lâu tại Nhật Bản, đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của Nhật Bản và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Triển khai từ năm 2012 đến nay, Chương trình đã tuyển chọn và đưa vào đào tạo tiếng Nhật cho 10 khóa ứng viên điều dưỡng, hộ lý với tổng số hơn 2.000 ứng viên. Trong số đó, khoảng 1700 ứng viên các khóa 1 đến khóa 9 đã được đưa sang làm việc tại các bệnh viện, cơ sở chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản.

Có thể nói sau 10 năm triển khai, Chương trình được phía Nhật Bản đánh giá rất cao. Tổ chức Phúc lợi xã hội quốc tế JICWELS (đơn vị đầu mối thuộc Bộ Y tế Phúc lợi xã hội Nhật Bản tham gia triển khai tiếp nhận ứng viên điều dưỡng, hộ lý) cho biết, thông qua khảo sát với đối tượng là Viện dưỡng lão và người sử dụng lao động (người nhà và bệnh nhân), 86% đánh giá ứng viên Việt Nam ở mức "khá tốt" và "tốt", cho thấy mức độ hài lòng của phía bạn đối với ứng viên của Việt Nam rất cao.

Bên cạnh đó, việc đối chiếu tỉ lệ đỗ chứng chỉ Quốc gia Nhật Bản qua các năm cho thấy ứng viên điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam đạt tỉ lệ đỗ rất cao, khẳng định vị trí vững chắc của các ứng viên Việt Nam tại Nhật Bản.

Theo dantri.com.vn