Tháng 10/2020, Zhang Qijing rời Trung Quốc tới Anh học thạc sĩ.

Trước đó, cô từng làm việc ở một công ty du lịch, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Vì vậy, Zhang muốn bắt đầu một chương mới trong lĩnh vực giáo dục, cụ thể là làm việc tại một trường công lập.

Một năm sau, cô gái 26 tuổi trở về quê nhà với tấm bằng trên tay. Song, Zhang bỡ ngỡ khi nhìn cuộc cạnh tranh gay gắt giữa sinh viên mới ra trường, lao động trẻ bị đào thải khỏi các công ty tư nhân để vào làm cho nhà nước.

"Cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn hẳn do ảnh hưởng dịch bệnh. Giảng viên từng làm việc ở các trung tâm tư nhân đều đổ dồn về trường công sau khi chính phủ có quy định cấm dạy thêm", Zhang nói.

 
nguoi tre muon lam nha nuoc anh 1

Ảnh hưởng kinh tế do dịch Covid-19 và quy định của chính phủ khiến người trẻ Trung Quốc chuyển sang tìm việc ở các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước để tìm sự ổn định. Ảnh:China Daily.

Dù có tấm bằng thạc sĩ, thi nhiều chứng chỉ giảng dạy, Zhang vẫn không tự tin bởi lượng ứng viên đông đúc, tài năng.

"Ai cũng muốn tìm công việc ổn định. Họ đều tài giỏi, có bằng thạc sĩ hay tiến sĩ từ các trường đại học hàng đầu như Thanh Hoa hay Bắc Kinh", cô nói với SCMP.

Cạnh tranh gay gắt

Vào tháng 7, chính phủ Trung Quốc ban hành lệnh cấm dạy thêm sau giờ học, đẩy hàng chục triệu lao động vào cảnh bấp bênh, hàng chục nghìn người mất việc làm.

Dữ liệu từ Zhaopin, một nền tảng tuyển dụng trực tuyến ở xứ tỷ dân, hơn 70% ứng viên có nhu cầu tìm việc trong lĩnh vực giáo dục là người trẻ dưới 30 tuổi.

Tuy nhiên, theo báo cáo hồi tháng 8 của Zhaopin, 10% thuộc nhóm trên đã chuyển sang lĩnh vực hành chính, nhân sự và kinh doanh.

Không dừng lại ở ngành giáo dục, sự biến động trên thị trường lao động nước này còn ảnh hưởng tới lĩnh vực công nghệ, giải trí, dịch vụ...

SCMP đưa tin dịch vụ phát sóng trực tuyến iQiyi có thể sa thải 20-40% nhân viên, trong khi Kuaishou sẽ cắt giảm 30% số đơn vị kinh doanh toàn cầu. Còn nền tảng thương mại điện tử Mogujie dự kiến cắt giảm 80% bộ phận công nghệ.

 
nguoi tre muon lam nha nuoc anh 2

Hàng triệu người đã nộp đơn đăng ký kỳ thi công chức trong năm nay. Ảnh:SCMP.

Các công ty bất động sản cũng đang thu nhỏ bộ máy nhân viên khi thị trường dần co lại.

Trong khi đó, số người nộp đơn cho kỳ thi công chức ở Trung Quốc đạt 2,12 triệu vào năm nay, nhiều hơn con số 1,58 triệu ứng viên của năm ngoái.

Khảo sát do nhà cung cấp dịch vụ nhân sự 51job.com công bố đầu năm nay cũng chỉ ra doanh nghiệp nhà nước là lựa chọn hàng đầu với 79% sinh viên tốt nghiệp từ những trường đại học top đầu.

Li Quiang, Phó chủ tịch điều hành của Zhaopin, nói với SCMP rằng số lượng ứng viên trẻ đang tìm kiếm các vị trí trong doanh nghiệp nhà nước đã tăng gấp đôi so với năm ngoái.

"Dưới ảnh hưởng bởi đại dịch, chúng tôi nhận thấy thị trường lao động có xu thế chuyển dịch. Người trẻ đang theo đuổi sự ổn định, vững chắc", ông Li nói.

Trước tình hình này, ngày càng nhiều người hy vọng có được lợi thế nhờ những tấm bằng, chứng chỉ bổ sung.

Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, có 4,57 triệu người đăng ký tham gia kỳ thi tuyển sinh sau đại học năm nay, nhiều hơn năm 2020 là 800.000 người.

Chỉ muốn ổn định

Cũng theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, nước này dự kiến sẽ có 10,76 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học vào năm 2022, nhiều hơn 1,67 triệu so với năm nay.

Điều này trở thành áp lực lớn cho thị trường việc làm, mất cân bằng ở một số lĩnh vực kinh tế.

Cụ thể, trong khi có quá nhiều cử nhân muốn tìm việc làm văn phòng, các nhà máy lại đối mặt với tình trạng thiếu nhân công trầm trọng.

"Sự cạnh tranh cho vị trí thư ký, hành chính rất khốc liệt, nhưng mức lương khởi điểm có thể chỉ rơi vào khoảng 3.000-4.000 nhân dân tệ", Li nói.

 
nguoi tre muon lam nha nuoc anh 3

Muốn ổn định, khó cạnh tranh về tuổi tác là những nguyên nhân khiến nhiều người rời bỏ lĩnh vực tư nhân. Ảnh:CGTN.

Ông nói thêm rằng đối với các công việc trong nhà máy, xí nghiệp, người lao động có thể dễ dàng lên vị trí nhân viên kiểm soát chất lượng, quản lý sau 3 tuần đào tạo cơ bản, có mức thu nhập 8.000-9.000 nhân dân tệ/tháng.

"Dù thế, nhiều người vẫn chuộng công việc văn phòng, hành chính ổn định hơn làm việc trong nhà máy".

Ngoài ra, sự phân biệt tuổi tác với phụ nữ và những người trên 35 tuổi là một yếu tố khác khiến người lao động từ bỏ các công ty, doanh nghiệp tư nhân.

Zhang Jiuqing (26 tuổi), người vừa mất việc giảng dạy tiếng Đức ở một trung tâm, đang chuẩn bị cho kỳ thi công chức để làm cho nhà nước.

Chia sẻ với SCMP, cô cho biết mình từng chứng kiến nhiều đồng nghiệp nữ nghỉ việc sau khi sinh vì không thể làm thêm giờ và cạnh tranh với những giáo viên là nam giới hoặc trẻ tuổi hơn.

"Tôi không mong trở thành triệu phú, chỉ muốn có một cuộc sống bình thường và ổn định để có thể thoải mái khi sinh con. Tôi sợ mình sẽ bị thay thế khi bước qua tuổi 30, hoặc không còn tương lai sự nghiệp vì quy định cấm dạy thêm", cô nói.

Sự phân biệt đối xử theo độ tuổi ngày càng lan rộng trong thị trường việc làm tại xứ tỷ dân, kéo theo những hậu quả tiềm ẩn về kinh tế khi dân số già đi nhanh chóng.

Ông Li cho biết tuổi tác không phải là điều hạn chế người lao động. Thay vì đó, họ cần hình thành năng lực cốt lõi trước khi bước sang tuổi 35 - thời điểm phải gánh vác nhiều tránh nhiệm gia đình hơn, đòi hỏi mức lương cao hơn.

"Trong thị trường lao động hiện nay, người lao động cần tìm ra thế mạnh của mình và xác định thị trường mục tiêu để cạnh tranh. Nếu không, họ cần phải điều chỉnh kỳ vọng nghề nghiệp của mình".

Theo Zing