Mục đích của dự án Hợp tác đào tạo nghề Việt Nam - Đan Mạch là để xây dựng một chương trình học có tính thực tiễn cao. Theo đó, học viên sẽ được đào tạo ngay trong lòng doanh nghiệp, thay vì chỉ thực tập ngắn hạn, mang tính chất trải nghiệm như trước đây.

Ông Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, cho biết: "Trước đây, chủ yếu các hoạt động dạy nghề diễn ra ở trường nghề, nhưng dự án này đã giúp doanh nghiệp cùng nhà trường xây dựng chương trình dạy nghề mà có những thời gian đào tạo tại doanh nghiệp. Bản thân cán bộ công nhân lành nghề của doanh nghiệp cũng tham gia dạy nghề".

Theo đề xuất, năm nào học viên cũng sẽ được đi thực tập, tổng thời gian thực tập của mỗi người là từ 4 đến 8 tháng, tùy thuộc vào tổng số năm đào tạo.

Ông Torben Schuster, Chuyên gia tư vấn cao cấp, Bộ Giáo dục Đan Mạch, cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng năng lực cho trường học và cả doanh nghiệp bởi chúng tôi mong muốn đưa doanh nghiệp trở thành một phần quan trọng được tích hợp trong quá trình đào tạo. Hy vọng rằng đến đầu năm sau, học viên đã có thể bắt đầu tham gia vào chương trình học thí điểm này".

Dự án sẽ thí điểm với hai ngành thế mạnh của Đan Mạch là đồ họa và nội thất. Đây cũng là hai ngành mà gần 40% các doanh nghiệp nước này tại Việt Nam có nhu cầu tuyển dụng. Bên cạnh đó, lĩnh vực này cũng đang được nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác quan tâm.

Ông Henrik Franke, Giám đốc sản xuất, Công ty BR 24, Đức cho rằng: "Hiện, chúng tôi có khoảng 160 nhân viên là người Việt Nam. Chúng tôi có nhiều nhu cầu tuyển dụng hơn trong thời gian tới, bởi chúng tôi đang mở rộng thị trường tại cả châu Á và châu Âu".

Chuyên gia Đan Mạch nhấn mạnh, với hơn 60 năm kinh nghiệm trong công tác đào tạo lao động có kỹ thuật cao, thích ứng nhanh với thay đổi của thị trường, nước này có thể hỗ trợ tốt cho Việt Nam.

Bà Hanne Shapiro, Giám đốc sáng tạo, Viện Công nghệ Đan Mạch, nói: "Học viên Đan Mạch được đào tạo theo mô hình kết hợp tại nhà trường và doanh nghiệp đều có bước chuyển tiếp ra thị trường làm việc rất tốt. Các công ty tại nước chúng tôi rất thích mô hình này. Giống Việt Nam, Đan Mạch có rất nhiều các công ty nhỏ và các công ty này đều cần lao động có tay nghề cao".

Dự án hợp tác đào tạo nghề Việt Nam - Đan Mạch kỳ vọng có thể tạo tiền đề giúp các trường tham gia lan tỏa mô hình đào tạo sang các ngành khác và sang các trường khác tại Việt Nam. Theo chuyên gia dự án, đến cuối năm 2018, dự án sẽ trình lên Chính phủ những phát hiện và đề xuất nhằm phát triển hoạt động đào tạo nghề tại Việt Nam.

                                                                                   Theo VTV.VN