Đến năm 2050, quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn đạt trên 100 tỉ USD/năm

Tại quyết định này, Việt Nam định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2050 theo lộ trình 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (2024 - 2030) tận dụng lợi thế địa chính trị, nhân lực về công nghiệp bán dẫn, thu hút FDI có chọn lọc, phát triển trở thành một trong các trung tâm về nhân lực bán dẫn toàn cầu, hình thành năng lực cơ bản trong tất cả các công đoạn từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử của công nghiệp bán dẫn.

Giai đoạn 2 (2030 - 2040), Việt Nam sẽ trở thành một trong các trung tâm về công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu; phát triển công nghiệp bán dẫn, điện tử kết hợp giữa tự cường và FDI.

Giai đoạn 3 (2040 - 2050), Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm các quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử; làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử. Đến 2050, quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỉ USD/năm.

Đến năm 2040, Việt Nam cần 100.000 nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn- Ảnh 1.

Việt Nam đề ra chiến lược đến năm 2050 trở thành quốc gia thuộc nhóm các quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Để có thể phát triển công nghiệp bán dẫn, chiến lược này đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 1, quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam phải đạt trên 50.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Trong giai đoạn 2, nghĩa là đến năm 2040, quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn phải đạt trên 100.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Tại giai đoạn 3 (đến năm 2050), quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Xây dựng chính sách đột phá thu hút nhân tài

Nhiệm vụ cụ thể để phát triển nguồn nhân lực và thu hút nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn được đặt ra bao gồm xây dựng và tổ chức triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Chú trọng, ưu tiên đào tạo lại, đào tạo nâng cao, đào tạo chuyển tiếp từ nguồn nhân lực sẵn có dồi dào là các kỹ sư điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số, cùng với lợi thế nguồn nhân lực có năng lực về STEM dựa trên dự báo, tầm nhìn dài hạn, bám sát nhu cầu thị trường.

Đến năm 2040, Việt Nam cần 100.000 nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn- Ảnh 2.

Trung tâm đào tạo điện tử, vi mạch bán dẫn tại Khu công nghệ cao TP.HCM

ẢNH: MỸ QUYÊN

Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút và nuôi dưỡng nhân tài, các chuyên gia cao cấp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử trong và ngoài nước. Kết nối chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế, đặc biệt là các chuyên gia Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài để hình thành Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn.

Cùng với đó, Việt Nam sẽ hợp tác về cung cấp nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn với một số quốc gia đang thiếu hụt nhân lực, thúc đẩy ký kết các cam kết về nhu cầu nhân lực giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp bán dẫn, điện tử trong và ngoài nước để tạo đầu ra, đảm bảo cho đào tạo thành công.

Theo Thanh niên