Ảnh minh họa

Đây cũng là một trong các hoạt động quan trọng kỷ niệm 45 năm hợp tác quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Nhật Bản.

Theo điều tra về xu hướng sử dụng truyền thông 2017 của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, việc ứng dụng AI tại các doanh nghiệp Nhật mới chỉ có 1,9%, tuy nhiên nhu cầu của Nhật Bản về công nghệ mới nổi như Internet of Things (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), Công nghệ Robot (Robotics), xe tự hành… đang tăng lên rất nhanh.

Về nhân lực CNTT nói chung, Nhật Bản đang thiếu hụt khoảng 171.000 kỹ sư và dự báo thiếu 369.000 kỹ sư và 48.000 kỹ sư trong các mảng công nghệ mới vào năm 2020. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực cùng cầu tăng cao về nhân lực công nghệ mới sẽ mở ra cơ hội hợp tác rất lớn cho doanh nghiệp hai nước.

Trong lĩnh vực phần mềm, hiện nay Nhật Bản vẫn là thị trường lớn của các doanh nghiệp Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đều có doanh thu tăng mạnh khi tham gia vào các hoạt động gia công, xuất khẩu phần mềm sang thị trường Nhật Bản. Việt Nam đã đứng trong nhóm 10 nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm; doanh thu xuất khẩu phần mềm tăng trung bình 15%/năm; trong đó xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản chiếm tỉ trọng lớn.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh, Nhật Bản là một quốc gia đi đầu với nhiều thành tựu to lớn trong phát triển, ứng dụng CNTT trên mọi lĩnh vực. Thứ trưởng mong muốn trong thời gian tới Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ đã được thống nhất giữa hai Bộ; hiện thực hóa các hoạt động của nhóm công tác chung, tập trung vào các nội dung xây dựng chính phủ điện tử, thành phố thông minh, bảo đảm an toàn thông tin...; tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư CNTT để mở ra nhiều hơn nữa các cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.

Ông Nguyễn Đoàn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Chủ tịch Câu lạc bộ hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản (VJC) đánh giá: “Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 với những xu hướng công nghệ mới như IoT, AI, Big Data, chuyển đổi số, sự thay đổi trong mô hình kinh doanh hợp tác và nguồn nhân lực dồi dào của Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội hợp tác lớn, có thể nói là tương lai của hợp tác CNTT giữa doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian tới”.

Vấn đề Hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được đưa ra bàn thảo chi tiết tại 2 phiên tọa đàm: Cải thiện chất lượng hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản; và Thực tiễn hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản trong các dự án công nghệ mới.

Ngoài ra, Japan ICT Day 2018 còn có các Báo cáo cập nhật về “thực trạng hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản”, “Tổng quan ngành CNTT Nhật Bản”, Báo cáo “Quốc gia số: Các cơ hội và bài học kinh nghiệm từ và cho Nhật Bản và Việt Nam” của Alphabeta, “Dự án thành phố thông minh tại Hà Nội”…cùng chia sẻ kinh nghiệp hợp tác từ các doanh nghiệp uy tín như FPT, Luvina, Harvey Nash, JAMS…

Cũng trong khuôn khổ Japan ICT Day 2018, lần đầu tiên cuộc thi Hackathon được tổ chức bởi VINASA phối hợp cùng VJC và Hiệp hội Nội dung số tỉnh Okinawa của Nhật Bản (OADC) với chủ đề “ Thành phố thông minh” kéo dài 17,5 tiếng đồng hồ trong 2 ngày 27- 28/8.

Japan ICT Day là hoạt động xúc tiến hợp tác dành cho các doanh nghiệp CNTT Việt Nam - Nhật Bản do VINASA và VJC phối hợp tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 2007.

Chương trình được sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, sự phối hợp, hỗ trợ của nhiều tổ chức Nhật Bản: Đại sứ quán Nhật Bản, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), Hiệp hội Công nghiệp Dịch vụ CNTT Nhật Bản (JISA), Hiệp hội Hệ thống thông tin và điện tử Kansai (KEIS), Hiệp hội Nội dung số Okinawa (OADC)...cùng sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp, tổ chức CNTT hai nước.

Theo Thế giới và Việt Nam