Ảnh minh họa
Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam vừa có buổi làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH).
Trong báo cáo quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết hiện nay, lực lượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chủ yếu là các chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành và lao động kỹ thuật. Lực lượng lao động trình độ cao này đã bổ sung đáng kể nguồn nhân lực chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế mà lao động Việt Nam cần học hỏi.
Ông Diệp cũng cho biết hiện các quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã khá đầy đủ và đồng bộ, xác định rõ trách nhiệm trong công tác quản lý, giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho NLĐ.
Về tình hình NLĐ Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, báo cáo cho thấy từ năm 2010 đến nay, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng cao. Một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản ghi nhận lao động Việt Nam ở vị trí cao so với lao động ở các nước khác.
Ngoài các thị trường truyền thống và các ngành nghề thu hút nhiều lao động, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm các thị trường mới như Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Cộng hòa Sip, Belarut, Italya với các ngành nghề mới cho thu nhập cao.
Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội đánh giá, khu vực Đông Bắc Á trở thành trọng điểm xuất khẩu lao động của Việt Nam, dù có nhiều vấn đề phát sinh nhưng quan hệ của Việt Nam với các nước này tương đối tốt, còn nhiều tiềm năng. Việc đưa các lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài đem lại cơ hội cải thiện đời sống, tăng thu nhập, đào tạo nghề cho đội ngũ lao động trong nước, tạo nguồn thu ngoại tệ và góp phần tích cực trong mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp phái cử còn chạy theo lợi nhuận, chưa quan tâm đến bảo vệ lợi ích người lao động, nhiều vụ việc chưa phối hợp với các cơ quan đại diện ở nước ngoài để giải quyết kịp thời; công tác phối hợp trao đổi thông tin còn chưa hiệu quả.
Theo Người Lao động