leftcenterrightdel
 

Mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục Việc làm và Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức hội thảo thúc đẩy đưa người lao động các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đi làm việc ở nước ngoài thông qua Chương trình phi lợi nhuận và giải pháp giảm số lượng lao động không về nước đúng quy định.

Trung tâm Lao động nước ngoài cho biết công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập, điều kiện lao động tốt, thị phần của lao động Việt Nam tại một số nước, vùng lãnh thổ gia tăng đáng kể.

Trong đó việc thực hiện các chương trình như: Chương trình EPS của Chính phủ Hàn Quốc, Chương trình IM Japan, Chương trình Osaka tại Nhật Bản, Chương trình Đài Loan (Trung Quốc), Chương trình Hand in Hand tại CHLB Đức… do Trung tâm lao động ngoài nước thực hiện ngày càng đạt hiệu quả.

Đến nay, Trung tâm đã đưa trên 134.000 người lao động đi làm việc tại các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, CHLB Đức và Đài Loan (Trung Quốc).

Quá trình triển khai các chương trình phi lợi nhuận tại các địa phương đã thu hút được sự quan tâm, tham gia của đông đảo người lao động. Với mức chi phí tham gia các chương trình thấp, cách thức triển khai công khai, minh bạch đã tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp cận chương trình, nhất là người lao động có hoàn cảnh khó khăn, thuộc đối tượng chính sách, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện Việt Nam có khoảng 650.000 lao động đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong đó, tập trung ở các thị trường như: Nhật Bản khoảng 300.000 người, Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 250.000 người, Hàn Quốc khoảng 50.000 người... Số lao động còn lại ở các thị trường Châu Âu, Trung Đông và Malaysia.

Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với nhiều loại hình ngành nghề công việc khác nhau, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất chế tạo chiếm 80% gồm (cơ khí, dệt may, giầy da, lắp ráp điện tử...); còn lại trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ gồm (chăm sóc người già, người bệnh, giúp việc trong gia đình).

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao và ổn định, điều kiện làm việc được bảo đảm và được phía bạn đánh giá cao.

Mức thu nhập của người lao động Việt Nam ở Hàn Quốc là cao nhất, khoảng 1.600 đến 2.000 USD/người/tháng. Còn ở Nhật Bản, người lao động có thu nhập 1.200 đến 1.500 USD/người/tháng. Ở Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 800 đến 1.200 USD/ngươi/tháng. Ở thị trường Trung Đông và Malaysia, nếu người lao động có nghề, thu nhập khoảng 600 đến 1.000 USD/người/tháng, đối với lao động phổ thông, không có nghề thì thu nhập 400 đến 600 USD/người/tháng.

Theo nld