Người Hàn Quốc tái hiện kỳ thi công chức thời Chosun tại cung điện Changgyeong, Seoul - Ảnh: AP
Một buổi sáng sớm ở ga tàu Noryangjin tại thủ đô Seoul, một đoàn thanh niên đeo balô nhanh chân bước ra khỏi ga tàu. Nhưng điều kỳ lạ là ở khu vực này không hề có trường học nào mà chỉ nổi tiếng với các chợ cá hay nhà hàng tiệc cưới.
Thực ra họ tìm đến các trung tâm đào tạo giúp vượt qua kỳ thi công chức ở Hàn Quốc. Đây là kỳ thi khó khăn không kém kỳ thi đại học ở nước này, bởi làm công chức nhà nước là ước mơ của hàng triệu người Hàn.
Song Ji Hye là một trong những thí sinh ở khu này. Cô tốt nghiệp đại học ngành quản lý an ninh trật tự. Dù đã 28 tuổi, Song chưa từng có một công việc toàn thời gian. Cô đã tham gia lớp luyện thi của Học viện Willbes từ năm 2017 và từng rớt kỳ thi công chức một lần.
Học viện Willbes dạy các môn như lịch sử Hàn Quốc, tiếng Anh, luật hình sự, nghiên cứu cảnh sát và các môn học cơ bản khác như toán.
Nơi đây đào tạo các ứng viên để họ có thể vượt qua bài kiểm tra viết, thể chất và phỏng vấn nhằm giành một vị trí trong lực lượng cảnh sát.
Trong lớp học của trung tâm luyện thi công chức ở Seoul, Hàn Quốc - Ảnh: REUTERS
Nhà của Song nằm ở Chungcheong, một tỉnh cách thủ đô Seoul ba giờ đi xe. Mỗi ngày, cô thức dậy vào lúc 5h50 sáng tại căn phòng thuê bé tẹo chỉ đủ để ngủ và học.
"Tôi tốn 10 phút để vệ sinh cá nhân và bôi kem chống nắng, thay vì trang điểm. Tôi đến học viện vào lúc 6h05, sau khi trường mở cửa 5 phút. Tôi ăn một bữa sáng đơn giản với cơm cuộn và một chút cà phê", Song chia sẻ.
Song ngồi tự học cho đến khi lớp học bắt đầu vào lúc 9h. Ban ngày, Song có hai lớp học, mỗi lớp kéo dài 4 tiếng và một lớp tối kéo dài 7 tiếng cho đến sau nửa đêm. Cô cố gắng giới hạn thời gian nghỉ buổi trưa và buổi tối của mình vỏn vẹn trong 30 phút.
Mỗi năm, lực lượng cảnh sát Hàn Quốc mở hai đợt tuyển dụng với tổng số là 118.000 người. Năm ngoái, 170.614 người trong độ tuổi 18 đến 40 đã tham gia vào kỳ thi công chức. Tuy nhiên chỉ có 7.294 người trở thành sĩ quan, cho thấy tỉ lệ thành công của kỳ thi này chỉ có 4%.
Ngoài cảnh sát, các cơ quan dân sự như tòa thị chính và trung tâm phục vụ cộng đồng cũng là những nơi làm việc nằm trong danh sách mơ ước của người dân Hàn Quốc.
Song Ji Hye là một ví dụ điển hình phản ánh xu hướng văn hóa lâu đời của Hàn Quốc là tìm kiếm sự nghiệp an toàn và ổn định, mức lương ổn định, ít bị sa thải và chế độ lương hưu tốt. Ngay cả học sinh tiểu học cũng thổ lộ mơ ước của các em là trở thành công chức nhà nước.
Nhiều học sinh tiểu học cũng mơ ước trở thành công chức trong tương lai - Ảnh: AFP
Nhưng học phí của các khóa học này rất đắt đỏ. Sau khi trượt kỳ thi năm 2017, Song phải tiết kiệm tiền làm thêm của mình trong hai năm để có thể tiếp tục việc học ở học viện.
Giá thuê trung bình một căn phòng nhỏ gần Học viện Willbes khoảng 500.000 won một tháng (khoảng 450 USD) và học phí ở trung tâm thường cao hơn 200.000 won mỗi tháng.
Học viện gồm ba tầng lầu, nhưng tìm một chỗ ngồi trong giảng đường gồm 500 học viên là việc không hề dễ dàng.
"Trong khi những người khác thoải mái đi chơi vào tối thứ bảy, nhiều học sinh lại phải đứng xếp hàng dài bên ngoài học viện vào lúc 3h sáng, để lấy được chỗ ngồi tốt trong lớp" - ông Ku Ik Hyun, hiệu trưởng Học viện Willbes, chia sẻ với tờ South China Morning Post.
Một học viên đang gạo bài tại căn phòng trọ có diện tích chỉ đủ để ngủ và học - Ảnh: REUTERS
Lớp học của Học viện Willbes chen cứng học viên bởi một lý do khác: hiệu quả. Theo hiệu trưởng Ku, khoảng 80 - 90% thí sinh theo học tại đây đều vượt qua được kỳ thi công chức.
Song Ji Hye rất nghiêm túc trong kỳ thi lần này. Song cho biết cô không muốn tốn thêm quá nhiều thời gian học tại học viện.
Do đó, trong lớp học, Song thường rất ít nói và chỉ tập trung cho việc học. Điều này có thể là lý do giải thích cho việc Song hầu như không có bạn tại học viện.
Ông Jung Chul Young - giáo sư nghiên cứu về lực lượng lao động ở Trường đại học Quốc gia Seoul - cho biết cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 đã thay đổi suy nghĩ của đa số người Hàn.
"Sinh viên hiện nay thay vì theo đuổi đam mê của mình hay xem xét triển vọng phát triển ở nơi làm việc, thì lại nhìn vào độ an toàn của công việc", ông Jung cho biết.
Cũng trong năm 1997, Hàn Quốc phải chấp nhận một khoản vay khổng lồ trị giá 58 tỉ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong bối cảnh hàng loạt người bị sa thải và nhiều công ty tuyên bố phá sản.
Việc làm tại các tập đoàn lớn và làm việc cho nhà nước từ đó được đưa vào danh sách công việc mơ ước của người Hàn, vì tính ổn định.
Ứng viên phải học tập rất chăm chỉ và cực khổ để có thể đậu kỳ thi công chức - Ảnh: EPA
Theo ông Jung, hệ thống giáo dục cũng là một lý do đáng trách dẫn tới quan điểm hạn hẹp về công việc.
"Hệ thống giáo dục của chúng tôi chỉ tập trung vào các kỳ thi tuyển sinh đại học", ông Jung giải thích.
Kỳ thi này còn có tên gọi là CSAT, kỳ thi đánh giá năng lực khắc nghiệt, quyết định cuộc đời của hầu hết người Hàn Quốc.
Theo ông Jung, sinh viên nước này có rất ít cơ hội để trải nghiệm cuộc sống bên ngoài trường học, hoặc ít được tiếp xúc với xã hội để phát triển nhận thức.
Nghiên cứu của Saramin, một trung tâm thông tin việc làm, trong năm nay cho thấy các bậc phụ huynh Hàn Quốc có xu hướng khuyên con cái xem công chức là lựa chọn nghề nghiệp tốt nhất.
"Nếu chỉ giáo dục học sinh về nghề nghiệp của chúng là không đủ, chúng ta cần phải giáo dục cả các bậc phụ huynh", ông Jung nhận xét.
Theo tuoitre