leftcenterrightdel
 Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc tăng đều đặn kể từ tháng 10/2021 và phá kỷ lục hàng tháng kể từ tháng 4 năm nay. Ảnh: Getty.

Số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đạt mức cao nhất mọi thời đại là 19,3% vào tháng 6. Đây là mức tăng mạnh so với 18,4% trong tháng 5 và hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái, theo SCMP.

Cuộc cạnh tranh việc làm ngày càng gay gắt giữa những người 16-24 tuổi diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 0,4% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây phần lớn là hệ quả của chiến lược “zero Covid-19”, vốn dẫn đến lệnh phong tỏa quy mô lớn ở Thượng Hải và các thành phố lớn khác - khác xa với điều kiện lý tưởng cho sinh viên mới tốt nghiệp đại học.

Áp lực việc làm

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) từng lưu ý rằng sinh viên vừa ra trường thường đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao hơn vào tháng 6-7 hàng năm, nhưng tỷ lệ này tăng ổn định kể từ tháng 10/2021. Nó đã phá kỷ lục kể từ khi đạt mức 18,2% vào tháng 4 - đánh dấu mức cao nhất kể từ lần đầu tiên Trung Quốc bắt đầu công bố dữ liệu hàng tháng vào năm 2018.

Thêm kỷ lục 10,76 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học bước vào thị trường việc làm vốn đã eo hẹp tiếp tục đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao hơn nữa. Dữ liệu cho thấy người trẻ Trung Quốc đang tham gia thị trường lao động kém hơn so với nhóm đồng trang lứa ở các nền kinh tế lớn khác.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi thanh niên ở Mỹ vào tháng 6 là 8,1%. Vào tháng 5, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp của Liên minh châu Âu là 13,3%, Nhật Bản là 3,8%.

leftcenterrightdel
 Người tìm việc xếp hàng chờ vào hội chợ tuyển dụng ở Thượng Hải. Ảnh: Xinhua.

Phát ngôn viên Fu Linghui của NBS cho biết thanh niên Trung Quốc thực sự phải đối mặt với áp lực việc làm mà theo ông là phải ổn định.

“Do ảnh hưởng bởi đại dịch, khả năng tiếp nhận việc làm của các công ty đã giảm. Các kênh tìm kiếm việc làm của thanh niên cũng bị cản trở trong điều kiện hạn chế”, Fu nói và cho biết thêm rằng nhiều chính sách sẽ được thực hiện để cải thiện tình hình.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích nghi ngờ rằng điều tồi tệ nhất có thể sẽ đến với người trẻ tìm việc do hàng loạt bất ổn kinh tế và khó khăn.

Tommy Wu, chuyên gia kinh tế hàng đầu về Trung Quốc của Oxford Economics, cho biết: “Tôi nghĩ các điều kiện thị trường lao động tổng thể sẽ vẫn giảm trong một thời gian. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên có thể tăng cao hơn nữa vì người trẻ tuổi rất khó kiếm được việc làm trong điều kiện thị trường lao động như vậy”.

Đáng lo ngại

 NBS cho biết thị trường việc làm rộng lớn hơn, đánh giá bởi tỷ lệ thất nghiệp thành thị, được cải thiện một chút trong tháng 6. Sau khi tăng lên mức cao nhất trong gần 2 năm là 6,1% vào tháng 4, tỷ lệ này giảm xuống 5,9% vào tháng 5 và 5,5% vào tháng trước.

“Tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát có thể cải thiện phần nào trong nửa cuối năm với tốc độ từ từ. Việc làm liên quan đến các dự án cơ sở hạ tầng có thể tăng lên do trọng tâm của chính sách kích cầu trong lĩnh vực này. Nhưng tôi nghĩ các dịch vụ tiêu dùng và hoạt động của khu vực tư nhân nói chung có thể bị đình trệ, do đó, triển vọng việc làm tổng thể vẫn đáng lo ngại”, Wu nói.

Tình trạng cạnh tranh ngày càng gay gắt và việc sa thải hàng loạt tại các công ty tư nhân làm gia tăng thêm rào cản trên thị trường việc làm. Các ngành nghề truyền thống thu hút lượng lớn sinh viên mới tốt nghiệp - bao gồm các công ty Internet, ngành tài chính, lĩnh vực bất động sản và dạy thêm - đều phải vật lộn trong bối cảnh các cuộc đàn áp quy định trên diện rộng.

Wang Yixin, Giám đốc điều hành của nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng trực tuyến Zhaopin, cũng lưu ý rằng một số sinh viên mới tốt nghiệp “không muốn ổn định” trong quá trình tìm kiếm việc làm.

leftcenterrightdel
 Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở Trung Quốc đáng lo ngại hơn nhiều so với thống kê tương tự của Nhật Bản hay Liên minh châu Âu. Ảnh: Yang Suping/China Daily.

Wang cũng bày tỏ sự lạc quan đối với thị trường việc làm trong những tháng tới, nói rằng nó “sẽ cải thiện khi tăng trưởng kinh tế phục hồi trong quý III và IV”. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp hỗ trợ hơn nữa của chính phủ và cho biết cần phải hành động nhiều hơn để giúp sinh viên mới tốt nghiệp tìm được chỗ đứng trên thị trường việc làm.

Ngay cả sau 2 tháng ngừng hoạt động kết thúc vào tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp thành thị 7% của Thượng Hải vẫn cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn quốc là 5,5%. Tỷ lệ thất nghiệp trong quý II của thành phố là 12,5%, đáng lo ngại hơn so với mức trung bình của cả nước là 5,8%.

“Tôi nghĩ sẽ mất một thời gian để thị trường lao động của Thượng Hải trở lại hoạt động bình thường sau đợt phong tỏa trong quý II, đặc biệt là khi lo ngại về các hạn chế được gia hạn sẽ tiếp tục ám ảnh người dân và các doanh nghiệp ở Thượng Hải”, Wu nói.

Theo Louis Kuijs, chuyên gia kinh tế trưởng APAC tại S&P Global Ratings, bước sang nửa cuối năm, hoạt động tiêu dùng trong nước và dịch vụ suy yếu trong bối cảnh “zero Covid-19” vẫn là cơn gió mạnh trên thị trường lao động Trung Quốc.

“Dữ liệu tần suất cao cho thấy các hạn chế mới được áp đặt ở một số thành phố đang đè nặng lên đà phát triển. Vì vậy, vẫn còn phải xem tỷ lệ thất nghiệp có thể giảm trong những tháng tới hay không”, ông nói.

Theo zingnews