|
|
Theo ông Chử Hồng Minh, người trẻ học quản trị du lịch và khách sạn có nhiều cơ hội để thăng tiến trong công việc |
Vì sao làm nhà hàng khách sạn có nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc?
Ông Minh cho biết sau những biến động của dịch Covid-19, hiện tại theo những khảo sát nội bộ từ các doanh nghiệp về nhân lực thì nhân lực ngành nhà hàng khách sạn Việt Nam có xu hướng di chuyển sang ngành khác. Chính vì thế các doanh nghiệp trong ngành nhà hàng khách sạn đang gặp nhiều thách thức như: trải nghiệm khách hàng, mô hình kinh doanh, chuyển đổi số... Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là đó nhân lực. Nói dễ hiểu hơn là đang “khát” nguồn nhân lực.
“Vì lẽ đó, đây là thời điểm cũng như cơ hội tuyệt vời để người trẻ gia nhập ngành du lịch, khách sạn. Bởi họ sẽ dễ dàng được nhận vào những công ty, doanh nghiệp lớn, cũng như được đạo tạo nhiều hơn, được tăng đãi ngộ, có nhiều khả năng được thăng tiến nhanh hơn trong sự nghiệp”, ông Minh cho biết.
Cũng theo người sáng lập hệ thống đánh giá, xếp hạng nhà hàng the LOTUS HQA này, hiện nay các tập đoàn lớn trên thế giới đã và đang có xu hướng “Việt Nam hóa” vị trí tổng quản lý tập trung. Nghĩa là chọn lựa nhân sự người Việt cho những vị trí tổng quản lý. Chưa kể, số lượng nhà hàng, khách sạn ngày càng được mọc ra nhiều hơn. Điều này giúp người trẻ hiện nay có nhiều cơ hội trong bước đường sự nghiệp.
Dưới góc nhìn của một người trong vai trò Đại sứ Hiệp hội Du lịch ẩm thực thế giới (WFTA) tại Việt Nam, ông Minh cũng nói thêm: “Vào thời điểm hiện nay, sinh viên học ngành nhà hàng không khó để tìm kiếm công việc bởi ngành này đang phát triển trở lại rất tốt. Nguyên nhân vì ẩm thực hay nông sản vẫn là thế mạnh của Việt Nam. Trong khi ăn uống vẫn là nhu cầu thiết yếu của người dân. Đặc biệt, những người trẻ khoảng 35 tuổi trở xuống chiếm đến 70% dân số, họ có nhu cầu chi trả cho ẩm thực ngày càng cao... nên giúp cho nhu cầu ăn uống tăng cao, trở thành đòn bẩy để đưa ngành nhà hàng phát triển”.
|
Nhiều chuyên gia cho biếtnhu cầu nhân lựcngành nhà hàng khách sạn đang tăng
|
Cùng quan điểm, tiến sĩ Lý Thiên Trang, Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng Khoa Quản trị du lịch và Khách sạn (Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM) nhìn nhận, trong 3 năm qua, những ngành công nghiệp không khói như: khách sạn, nhà hàng, lữ hành... là những ngành chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên rất mừng vì hiện nay cả thế giới và Việt Nam đang quay lại tình trạng bình thường mời. Nhờ vậy, ngành dịch vụ này phát triển trở lại và nhu cầu nhân lực ngành này đang tăng trở lại. Từ đó, người trẻ học những ngành này có nhiều cơ hội việc làm hơn.
Người làm ngành nhà hàng khách sạn có mức lương khá cao. Ông Minh chia sẻ: “Đơn cử, mức lương dành cho tổng quản lý khách sạn, vận hành trong khách sạn, ở tập đoàn quốc tế mức lương 200 - 300 triệu đồng một tháng là chuyện bình thường. Người Việt khi làm ở các khách sạn quốc tế không cao bằng người nước ngoài nhưng vẫn có mức lương ở con số mơ ước. Tiếp đến, vị trí giám đốc vận hành cũng có mức lương rất cao. Đối với ngách nhà hàng, công việc quản lý nhà hàng cũng có mức lương vài chục triệu đồng. Đặc biệt, vị trí giám đốc vận hành của chuỗi nhà hàng thì lương rất cao, từ 2.000 USD đến 3.000 USD (khoảng 50 - 75 triệu đồng/tháng”.
|
Theo ông Benjamin Castel, một trong những yếu tố giúp để thành công là phải có mục tiêu trong cuộc đời
|
Để thành công trong cuộc sống
Theo tiến sĩ Trang, hiện nay sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm cho thế giới việc làm ngày càng đòi hỏi cao ở người lao động buộc phải có: kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ, thái độ.
“Kiến thức trong sách vở, từ giảng viên, ngoài cuộc sống, hay những kiến thức được tạo ra qua quá trình tương tác, trải nghiệm học tập... Còn kỹ năng của thế kỷ 21 gồm những kỹ năng như: giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng số, kỹ năng thích nghi và đặc biệt là khả năng học tập suốt đời. Sinh viên cũng phải trang bị thật tốt ngoại ngữ để sẵn sàng làm việc trong môi trường quốc tế, đa văn hoá ở các doanh nghiệp trong nước có giao thương quốc tế và các doanh nghiệp nước ngoài hoặc tại nước ngoài", tiến sĩ Trang nói.
Cũng theo tiến sĩ Trang, sinh viên cần phải trau dồi thái độ tích cực, tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Cũng như phải có sự nỗ lực, sự bền bỉ, sự kiên trì, biết cách tận dụng tốt nhất và hiệu quả nhất về thời gian... để có thể đạt được những kết quả như mong đợi trong những năm học ĐH.
Ông Benjamin Castel, hiện đang là Tổng Quản lý khách sạn Pullman Saigon Centre (Q.1, TP.HCM), chia sẻ bí quyết để người trẻ có thể thành công trong cuộc sống: “Đó là cần biết 3 điều. Một là phải có mục tiêu trong cuộc đời. Hai là cần có phương pháp để đạt được mục tiêu ấy. Và hơn hết, không bao giờ bỏ cuộc”.
Ông Benjamin Castel cũng khẳng định, khách sạn Pullman Saigon Centre luôn sẵn sàng chào đón sinh viên tốt nghiệp ngành quản trị du lịch và khách sạn của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM nói riêng và các trường ĐH nói chung được làm “đúng nơi, đúng chỗ, đúng thời điểm, đúng vị trí” nhằm phát triển bản thân và cùng đóng góp cho ngành khách sạn tốt hơn...
Yếu tố quyết định nguồn nhân lực đáp ứng thị trường
Vào sáng 30.10, Khoa Quản trị du lịch và Khách sạn (Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM) đã tổ chức chương trình đón tân sinh viên khóa 2022, giúp sinh viên có cơ hội tham quan khách sạn 5 sao Pullman Saigon Centre.
Tại đây cũng diễn ra lễ ký kết hợp tác với chủ đề “Đào tạo gắn kết với doanh nghiệp” của Khoa Quản trị du lịch và Khách sạn với các đơn vị đẳng cấp quốc tế 5 sao, 4 sao thuộc quản lý của các tập đoàn nổi tiếng thế giới, hay các đơn vị du lịch và đào tạo chuyên viên ngành du lịch với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. Ngoài ra còn có các tập đoàn sở hữu hàng chục chuỗi nhà hàng đa phong cách với các thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam.
Tại buổi lễ, ông Đỗ Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho biết nhà trường sẽ phối hợp nghiên cứu khoa học theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, ưu tiên cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp... Bên cạnh đó, trường hi vọng các doanh nghiệp sẽ tham gia đóng góp xây dựng chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo, cũng như phối hợp huấn luyện kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu cho sinh viên...
Ông Chử Hồng Minh cho rằng hợp tác trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà trường là yếu tố quyết định nguồn nhân lực trong thời gian tới. Ông Minh hi vọng giữa hai bên có nhiều cam kết mạnh mẽ để phát triển nguồn nhân lực, tăng nâng suất nguồn nhân lực nhằm đáp ứng đủ cho nhu cầu của doanh nghiệp cũng như của thị trường, cũng như giúp sinh viên ra trường có cơ hội thăng tiến trong công việc...
|
Theo Thanh niên