Ngày 22/7, ông Nguyễn Như Tuấn, Phó phòng Tuyên truyền, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Nhật Bản từ năm 1992, khoảng 350.000 lượt người tính tới nay. Lao động thường làm việc 3-5 năm, mức thu nhập trung bình 1.200-1.400 USD mỗi tháng. Xuất khẩu lao động đã góp phần thay đổi đời sống người dẫn lẫn bộ mặt nhiều làng quê, thậm chí hình thành những ngôi làng chuyên xuất ngoại tại Hà Tĩnh.
Lao động làm việc tại Hàn Quốc hiện có mức thu nhập dao động 1.400-1.800 USD mỗi tháng. 90% người đi tuyển chọn từ chương trình EPS bắt đầu từ năm 2004. Lao động chủ yếu là thuyền viên tàu cá gần bờ, xa bờ, người có chuyên môn kỹ thuật; làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản sang Hàn Quốc theo cơ chế hợp tác giữa địa phương hai nước. "Thị trường rất hấp dẫn nên cũng có nhiều vấn đề phát sinh mà hai bên đang giải quyết", ông nói.
Cả nước có hơn 600.000 lao động đang làm việc tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, mỗi năm chuyển về gần 4 tỷ USD ngoại tệ theo đường chính ngạch, chưa kể các kênh khác. Trong đó Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan vẫn là thị trường truyền thống thu hút trên 90% lao động Việt Nam. Cụ thể Nhật Bản có 250.000 người; Đài Loan 230.000 người và Hàn Quốc 40.000 người.
Khu vực tiềm năng lớn gồm châu Âu và Australia. Hồi cuối tháng 3, hai nước vừa ký thỏa thuận đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Australia trong lĩnh vực nông nghiệp với khả năng tiếp nhận hàng nghìn người mỗi năm. Hai bên vẫn đang đàm phán điều kiện.
"Xu hướng già hóa dân số ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan khiến nhu cầu tiếp nhận lao động ngoài nước rất lớn. Vài năm tới, đây vẫn là những thị trường trọng điểm của xuất khẩu lao động Việt Nam", ông Tuấn nói.
Cơ quan quản lý đánh giá lao động đi làm việc tại nước ngoài là nhóm dễ tổn thương, gặp nhiều rào cản về văn hóa, lối sống, ngôn ngữ, trong khi doanh nghiệp quản lý hàng nghìn người và không thể quán xuyến hết. Các cơ quan thống nhất sẽ sớm ban hành Sổ tay sức khỏe lao động di cư vào tháng 8.
Sổ tay thiết kế gồm sáu phần, cung cấp cho người lao động thông tin về hệ thống y tế, BHYT, BHXH của nước sở tại; cách xử lý khi bị tai nạn lao động, tử vong, bạo hành hoặc quấy rối tại nơi làm việc; trợ giúp và đường dây nóng, địa chỉ để bảo hộ công dân.
Bác sĩ Trần Thị Tuyết Lương, đại diện Tổ chức di cư quốc tế IOM tại Việt Nam, dẫn nghiên cứu về lao động làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, cho thấy người đi thường là thanh niên 22-26 tuổi. Họ phần lớn gặp trở ngại trong ngôn ngữ, nhiều người chưa có gia đình thậm chí mang thai ngoài ý muốn.
Lao động thiếu kiến thức về hệ thống y tế nước sở tại và khó tiếp cận dịch vụ đúng cách dù có thẻ BHYT. Nhiều người thay vì tới cơ sở y tế cơ sở thì lại đến tuyến cao hơn nên tốn kém chi phí. Có lao động bất đồng quan điểm hoặc gặp khúc mắc với giới chủ, song chỉ giữ trong lòng mà không dám nói ra, lâu ngày ức chế dẫn tới vấn đề sức khỏe tâm thần.
"Ngoài giúp lao động di cư tiếp cận dịch vụ y tế, xã hội, sổ tay còn là kênh để doanh nghiệp, nghiệp đoàn, các tổ chức phi chính phủ sớm nắm bắt thông tin để có sự hỗ trợ kịp thời với họ", bà Lương nhận định.
Tham gia góp ý, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần quốc tế Nhân Ái, cho rằng nên phát hành sổ tay trên không gian mạng, kênh online dưới sự trợ giúp của hội nhóm đồng hương hoặc cộng đồng ngành nghề của lao động, thay vì bản cứng. Bà lý giải lao động đi làm cả ngày, thậm chí tăng ca nên không có nhiều thời gian đọc thông tin, nhất là tài liệu dưới dạng sách báo, sổ tay.
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị bổ sung thông tin về bảo hiểm lao động, đặc biệt là trợ cấp cho lao động nữ mang thai, sinh con; thêm phần hỏi đáp để giải quyết nhanh nhất sự việc; hoặc xây dựng thành các app để dễ nâng cấp và cập nhật thay đổi trong chính sách; bổ sung phần SOS lẫn các bước xử lý trong trường hợp khẩn cấp như lao động bị đột quỵ, gặp tai nạn.
Đầu tháng 7, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thông báo tạm dừng tuyển lao động làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép của chính phủ nước này (EPS) với tám huyện thuộc bốn tỉnh phía Bắc, đến hết năm 2022. Cụ thể TP Chí Linh (Hải Dương); huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa (Thanh Hóa); huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) và huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).
Lý do các huyện, thị xã này có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc lớn, từ 70 người trở lên, tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên. Việc tạm dừng không áp dụng với người dự tuyển ngành ngư nghiệp; lao động đi theo chương trình EPS về nước đúng thời hạn và người cư trú bất hợp pháp đã tự nguyện về nước trong khoảng thời gian Hàn Quốc miễn xử phạt.
|
Theo VnExpress