Người lao động trong ngành du lịch Việt Nam sẽ được đào tạo theo bộ tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia (Ảnh: Ngọc Thành)
Tiến tới xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia
Được biết, bộ tiêu chuẩn phiên bản mới được xây dựng dựa trên 6 lĩnh vực nghề chính là Lễ tân, Phục vụ buồng, Phục vụ nhà hàng, Chế biến món ăn, Điều hành Du lịch và Đại lý lữ hành và Hướng dẫn viên du lịch.
Ngoài ra, bộ tiêu chuẩn cũng được xây dựng mở rộng cho 4 lĩnh vực chuyên biệt đáp ứng các nhu cầu cao của ngành gồm Thuyết minh du lịch, Phục vụ tàu thủy du lịch, Quản lý khách sạn và vận hành cơ sở lưu trú nhỏ.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, tiêu chuẩn nghề đề cập những chuẩn mực thực tiễn tối thiểu cần thiết để thực hiện công việc hiệu quả trong lĩnh vực du lịch, khách sạn.
Những tiêu chuẩn này cũng xác định cụ thể những gì người lao động cần biết và làm được cũng như cách thực hiện để có thể hoàn thành công việc trong bối cảnh môi trường làm việc cụ thể…
Ông Tuấn cho hay, tiêu chuẩn VTOS phiên bản 2013 được xây dựng tương thích với tiêu chuẩn năng lực chung về nghề du lịch trogn ASEAN và đáp ứng các quy định của Thỏa thuận Thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN, đảm bảo yêu cầu hội nhập Cộng đồng kinh tế này từ năm 2016.
Tiêu chuẩn VTOS này cũng có thể được sử dụng cho đào tạo của các doanh nghiệp từ quy mô vừa và nhỏ, các khách sạn lớn, các công ty du lịch và lữ hành cũng như xây dựng giáo trình đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng…
"Bộ tiêu chuẩn có ý nghĩa lớn vừa tích hợp, vừa thể hiện được các chuẩn mực kỹ thuật cần thiết cho 10 kỹ năng nghề của ngành du lịch, thứ 2 nó tương thích với tiêu chuẩn nghề trong khối ASEAN, đáp ứng các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong cộng đồng và đảm bảo yêu cầu hội nhập trong cộng đồng kinh tế ASEAN từ 2016. Đặc biệt, bộ tiêu chuẩn có thể sử dụng ngay lập tức trong các cơ sở đào tạo, các công ty lữ hành, khách sạn…"- ông Tuấn cho hay.
Với sự hỗ trợ này, ngành du lịch đã và đang chủ động tích cực tham gia vào tiến trình gia nhập ASEAN.
Ông Tuấn cho biết, tới đây ngành sẽ còn làm một quy trình nữa là đồng bộ hóa để nâng cấp bộ tiêu chuẩn này thành bộ tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia. Sau khi được ASEAN công nhận, tất cả nhân viên và người lao động của Việt Nam được đào tạo theo bộ tiêu chuẩn này sẽ được cấp chứng chỉ và hoàn toàn có thể dùng chứng chỉ đó làm việc tại các quốc gia trong khu vực ASEAN.
Lao động du lịch vẫn yếu ngoại ngữ
Được biết, mỗi năm ngành Du lịch cần thêm 40.000 lao động nhưng sinh viên ra trường chỉ khoảng 15.000 người, trong đó hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học.
Hiện cả nước có 62 trường đại học, 80 trường cao đẳng (trong đó có 8 trường cao đẳng nghề) tham gia đào tạo nghiệp vụ du lịch; 117 trường trung cấp; 2 công ty đào tạo và 23 trung tâm có tham gia đào tạo nghiệp vụ nghề du lịch…
Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đạt yêu cầu của doanh nghiệp dẫn đến tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu lao động trong ngành Du lịch.
Theo số liệu của Viện nghiên cứu Phát triển du lịch, với tốc độ tăng trưởng là 6,2%/năm trong giai đoạn 2011-2015, đến hết năm 2015, nhu cầu nhân lực làm việc trực tiếp (hướng dẫn viên du lịch, lễ tân…) trong ngành ước cần 620.000 người. 5 năm nữa, con số này lên đến 870.000 lao động trực tiếp.
Theo ông Vũ Quốc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Du lịch, năng lực nghề trong lĩnh vực du lịch còn hạn chế ở tính chuyên nghiệp. Tuy nhiên, lao động du lịch của ta không phải là quá yếu kém.
"Chúng ta khó đứng ở top đầu và yếu nhất của chúng ta là ngoại ngữ. Đối với các lao động ở các thị trường cạnh tranh như Thái Lan, Singapore, Indonesia về nghề, chúng ta có thể chúng ta yếu hơn một chút nhưng về ngoại ngữ thì thua thiệt" - ông Trí nói.
Về dịch chuyển lao động, ông Trí cho hay, "lao động Việt Nam có quyền tự do dịch chuyển và các quốc gia trong khu vực cũng đang nhìn chúng ta như là một đối thủ đáng gờm, lao động của chúng ta có thể tràn sang các nước khác nếu chúng ta đủ năng lực như bộ tiêu chuẩn này. Khi đó, ta hoàn toàn có quyền tin tưởng, lao động ta có thể làm trong ASEAN được. Vấn đề của ta là trình độ ngoại ngữ nhưng đó là câu chuyện khác".
Với góc nhìn không quá bi quan, ông Trí cho rằng, lao động nghề du lịch đáp ứng kỳ vọng cao thì chưa đạt, nhưng ở mức bình thường thì có thể đáp ứng được. Hiện nhiều doanh nghiệp, khách sạn có tiếng trên thế giới đã có mặt ở Việt Nam. Như vậy, lao động Việt Nam hoàn toàn có thể làm được. Còn kỳ vọng đứng trong top đầu của ASEAN thì còn phải phấn đấu./.
Theo toquoc.gov.vn