Czech giữ được vị trí trong top 5 nền kinh tế phát triển nhanh nhất của EU.
Tuy nhiên, thách thức lớn đối với sự phát triển của Czech lại là tình trạng thiếu hụt nhân công và các công ty, nhà máy của chính phủ cũng như doanh nghiệp tư nhân đều phải trông chờ vào nguồn lao động nhập cư để giải bài toán này.
Số liệu mới nhất của Cục Thống kê Czech (CSU) cho biết trong quý 4/2017, nước này đạt tốc độ tăng trưởng 5,1% trong quý và đạt 4,5 % trong cả năm, lạm phát 2,5% và tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong EU 2,3%. Hầu như lĩnh vực kinh tế nào cũng đạt mức tăng trưởng cao, tiền lương và lương hưu đều tăng. Dự báo trong năm 2018 mức lương trung bình sẽ tăng 8%.
Tuy nhiên, chính mức tăng lương đột biến ở Czech cùng với sự thiếu hụt nhân công được coi là mối đe dọa chính đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Tình trạng thiếu lao động đã diễn ra nhiều năm qua và được dự báo sẽ trở nên trầm trọng hơn trong các năm tới.
Để khắc phục tình trạng "đói" công nhân, Czech buộc phải thu hút nhân lực nước ngoài. Từ mùa Thu năm 2015, chính quyền Czech đã đưa ra điều luật đơn giản hóa và đẩy nhanh đáng kể việc cấp thị thực lao động cho các kỹ sư, chuyên gia công nghệ thông tin là công dân Ukraine.Czech không chỉ thiếu nhân công có trình độ cao, mà còn thiếu cả lao động phổ thông. Căn cứ vào số liệu do các văn phòng tuyển dụng nhân công cung cấp, lao động có mức lương thấp lại đang được chào đón hơn cả. Nếu lương của lao động tay nghề thấp tăng nhanh do sức ép cạnh tranh, các công ty chuyên sử dụng nhân công giá rẻ sẽ chịu thiệt hại nặng nhất.
Tháng 2 vừa qua, Hội Chủ sử dụng nhân công Czech, Phòng Công-Thương Czech và Liên đoàn Công nghiệp Czech đã gửi thư kiến nghị chính phủ giảm thủ tục tuyển dụng nhân công Ukraine. Kinh nghiệm sử dụng lao động nước ngoài của Bulgaria được nêu ra để Chính phủ Czech tham khảo.
Từ ngày 31/1 vừa qua, theo kiến nghị của Bộ Công nghiệp Czech, nước này đã tăng hạn ngạch lao động Ukraine lên gấp đôi. Theo đó, Czech sẽ cấp 19.600 giấy phép lao động cho công dân Ukraine, tăng mạnh so với con số 3.800 giấy phép của năm 2016. Ngoài ra, mỗi năm còn có 1.500 người Ukraine được cấp thị thực sang Czech để làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ngoại trưởng Czech Martin Stropnicki cho biết từ năm 2018, mỗi tháng nước này sẽ cấp cho Ukraine 800 thị thực lao động bổ sung và thủ tục nhận thị thực được đẩy nhanh và đơn giản hóa. Chính phủ Czech cũng có kế hoạch áp dụng chính sách ưu đãi đối với người lao động Mông Cổ và Philippines.
Tuy nhiên, các chuyên gia không đánh giá tích cực những nỗ lực giải quyết vấn nạn thiếu hụt lao động của chính phủ. Họ cho rằng Czech vẫn chưa có một chính sách nhất quán mang tầm cỡ quốc gia trong việc thu hút lao động nước ngoài. Hiện nay, tệ quan liêu khiến cho việc tiếp nhận công dân các nước nằm ngoài EU hết sức phức tạp, trong khi năng lực xem xét và cấp thị thực của Bộ Nội vụ hạn chế.
Trong khi đó, Liên đoàn Các tổ chức công đoàn Czech lại cho rằng lao động nhập cư sẽ làm giảm giá trị của nhân công và gia tăng tội phạm trong nước.
Theo THế giới và Việt Nam