leftcenterrightdel
Lao động thi tuyển phần thi khéo tay 

Lao động nản lòng, doanh nghiệp đuối sức

Mặc dù đã học xong khóa tiếng Nhật và bồi dưỡng kỹ năng, nhưng sau khi chờ đợi gần 2 năm, chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn (quê H.Thọ Xuân, Thanh Hóa) đành ngậm ngùi xin rút hồ sơ, từ bỏ ước mơ sang Nhật Bản làm việc.

Chị Nhàn bộc bạch: “Vì dịch bệnh bọn mình phải học online, chữ rơi chữ rụng, nói năng thì bập bõm. Mình không thể ăn bám bố mẹ mãi được, trong khi chỉ vì chờ đợi sang Nhật Bản mà mình đã bỏ lỡ nhiều cơ hội việc làm. Nếu tháng 3 không đi được, mình sẽ lấy tiền đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) mở cửa hàng buôn bán nhỏ ở quê”.

Theo ông Vũ Quang Hoàng, Giám đốc Công ty XKLĐ Lalico, gần 200 lao động đang chờ bay sang Nhật Bản. Trong 2 năm qua, số lao động xin rút lui chiếm khoảng 20%.

Ông Hoàng cho hay: “Tháng 10.2021, Nhật Bản cấp lại visa, nhiều lao động đã làm hết các thủ tục, vé máy bay đã cầm tay nhưng đột nhiên bị dừng lại do phía Nhật Bản lo ngại biến chủng Omicron. Có rất nhiều nguyên nhân khiến lao động không thể chờ đến ngày bay được, như: tìm được việc làm khác, lập gia đình, thậm chí có trường hợp tử vong do Covid-19. Về phía doanh nghiệp (DN), thiệt hại cũng không kém, nhiều DN đã phải đóng cửa, trả lại giấy phép. Riêng chúng tôi vẫn cố gắng cầm cự cho dù hoạt động gần như tê liệt. Chúng tôi mong chờ ngày Chính phủ Nhật Bản mở cửa từ rất lâu rồi”.

Ông Vũ Công Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP LOD, chia sẻ: “Người lao động (NLĐ) chờ đợi đến nay cũng quá nản rồi, số lượng các em bỏ cuộc chiếm khoảng 15%. Nếu không mở lại, chắc chắn con số này sẽ gia tăng. DN buộc phải hoàn lại các chi phí NLĐ đã đóng, thậm chí còn phải hỗ trợ thêm để NLĐ tìm công việc mới. Vì vậy, khi Hiệp hội XKLĐ gửi thông báo xin chữ ký kiến nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp nhận thực tập sinh trở lại, chúng tôi đã ký ngay”.

Theo ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ VN, hiện có hàng chục ngàn thực tập sinh được nhà tuyển dụng Nhật Bản tuyển chọn đang chờ đợi sang Nhật. Trong số này, nhiều người nản lòng, muốn rút lui, không đi nữa. Trong khi đó, các nhân viên, cán bộ có kinh nghiệm, am hiểu pháp luật của các DN đã rời bỏ lĩnh vực XKLĐ đi tìm việc khác. Nếu thị trường XKLĐ Nhật Bản không mở lại, khó có thể giữ chân được họ.

leftcenterrightdel
Lao động trẻ chuẩn bị sang Nhật Bản làm việc - HOÀNG HIỀN 

Từ tháng 3 sẽ nộp hồ sơ xin phép nhập cảnh trực tuyến

Trước tình hình trên, cuối tháng 2, Hiệp hội toàn quốc về hỗ trợ cùng phát triển nhân lực nước ngoài Nhật Bản (NAGOMi) cũng đã gửi đến Chính phủ Nhật Bản kiến nghị thông báo thời gian mở cửa nhập cảnh. Đi kèm với đó là kiến nghị Chính phủ hỗ trợ chi phí cách ly sau nhập cảnh; mở rộng khung tiếp nhận tạm thời sau khi mở cửa nhập cảnh.

Ông Diệp cho biết: “Rất mừng là Thủ tướng Nhật Bản đã chấp thuận mở cửa lại thị trường vào đầu tháng 3”.

Trao đổi với Thanh Niên ngày 28.2, bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Truyền thông, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết theo công bố của Chính phủ Nhật Bản, từ 1.3 Nhật Bản nới lỏng hạn chế nhập cảnh, cho phép thực tập sinh, du học sinh, visa gia đình nhập cảnh… (chỉ ngoại trừ khách du lịch), nâng số lượng người nhập cảnh tối đa mỗi ngày từ 3.500 lên 5.000.

Trước đó, cuối tháng 2, phía Nhật Bản cũng đã ưu tiên nhập cảnh đối với kỹ sư, các nhà nghiên cứu. “Các thủ tục nhập cảnh cũng sẽ được đơn giản tối đa để tạo điều kiện cho lao động có thể nhập cảnh và bắt đầu công việc, học tập tại Nhật Bản. Cụ thể, phía Nhật Bản sẽ không yêu cầu phải xin và nộp bản kế hoạch hoạt động sau khi nhập cảnh, thay vào đó chỉ cần cơ quan tiếp nhận (công ty, trường học…) nộp đơn bảo lãnh. Các thủ tục cũng sẽ được thực hiện trực tuyến”, bà Hà nói.

Không chỉ đẩy nhanh thủ tục, thời gian cách ly sau khi nhập cảnh Nhật Bản cũng giảm từ 7 ngày xuống còn 3 ngày, nếu đến ngày thứ 3 xét nghiệm có kết quả âm tính sẽ không cần cách ly tiếp. Những người đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin và nhập cảnh từ quốc gia được coi là không bùng dịch sẽ được miễn cách ly. Sau khi xét nghiệm có kết quả âm tính tại sân bay, trong vòng 24 giờ có thể sử dụng phương tiện công cộng để di chuyển về nhà để thực hiện cách ly tại nhà...

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho hay: “Từ tháng 3, các nghiệp đoàn Nhật Bản muốn nhận thực tập sinh VN sẽ nộp hồ sơ xin phép nhập cảnh qua hệ thống đăng ký trực tuyến của Bộ Điện tử số thay vì phải nộp hồ sơ cho từng bộ, ngành chủ quản xét duyệt như quy định tại thời điểm tháng 11.2021. Trong quá trình triển khai, nếu có những thông tin hướng dẫn mới về trình tự thủ tục, chúng tôi sẽ cập nhật sớm nhất cho các DN VN”.

Còn theo bà Vân Hà, hiện nay các DN đã đăng ký hợp đồng XKLĐ lên Cục, tuy nhiên còn phải chờ xin cấp visa cho NLĐ. Do vậy, có thể phải sang tháng 4 thực tập sinh VN mới có thể lên đường sang Nhật Bản.

Tính đến tháng 12.2021, chỉ riêng thị trường XKLĐ sang Nhật Bản có 55.000 lao động đang chờ bay. Trong đó, 7.600 lao động đã hết hạn visa, 28.000 người đã có tư cách lưu trú ở Nhật Bản đang chờ xin visa, 18.000 lao động đã trúng tuyển ở phía VN và đang học tập, đào tạo đợi thi tuyển các đơn hàng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phải đóng cửa thị trường, số lao động VN sang Nhật Bản làm việc trong năm 2021 chỉ đạt 19.510 người, giảm gần 30% so với năm 2020.

Theo thanhnien