Lao động Việt Nam dồi dào nhưng chất lượng chưa cao
Cập nhật lúc 21:45, Thứ ba, 03/12/2019 (GMT+7)
Đó là ý kiến của các đại biểu tại hội thảo "Đánh giá tác động của các hiệp định thương mại tự do đến lực lượng lao động trẻ và nền kinh tế Việt Nam" tổ chức ngày 3-12 tại TP.HCM.
Các đại biểu tham gia góp ý kiến tại hội thảo - Ảnh: M.G.
Hội thảo do Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM và Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ - Thành đoàn TP.HCM tổ chức.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Mậu Hùng - Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế) - cho rằng các hiệp định thương mại tự do thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và nguồn lao động của Việt Nam như một dạng thức hàng hóa sang các nước phát triển. Đầu tư từ các nước vào Việt Nam tăng cũng tạo ra cơ hội việc làm cho người lao động nhiều hơn, nhất là lao động trình độ cao.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, lao động Việt Nam dồi dào nhưng chất lượng chưa cao. Nếu không thay đổi sẽ khó có thể đáp ứng yêu cầu công việc, không còn là thế mạnh cạnh tranh, bị thất thế ngay trên sân nhà khi lao động từ các nước dịch chuyển vào Việt Nam.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thùy Trang - Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cũng cho rằng Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ nhưng chất lượng chưa cao. Năm 2018, dân số Việt Nam có 94 triệu người. Trong đó lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 54 triệu người.
Bà Trang nói năng suất lao động Việt Nam thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực. Một trong những nguyên nhân chính của năng suất lao động thấp là do trình độ của người lao động. Chỉ có 9,76% lao động có trình độ đại học trong tổng số lực lượng lao động, cao đẳng là 3,68 và 5,35 trung cấp. Có đến 29,7% lao động chưa qua đào tạo.
Bà Trang dẫn chứng tại hội thảo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu, đại diện một doanh nghiệp cho biết các doanh nghiệp tại Việt Nam khó khăn tìm nhân lực cho những vị trí đòi hỏi khả năng tư duy chiến lược và tư duy lãnh đạo. Vì thế nhiều doanh nghiệp phải tìm nhân sự thay thế từ các quốc gia khác.
Để nâng cao chất lượng nhân lực, bà Trang cho rằng ngoài các trường cần thay đổi chương trình, tăng thực hành cho người học. Bà Trang cũng đề xuất doanh nghiệp không nên chỉ dừng lại ở việc đưa ra yêu cầu mà phải cùng các trường tham gia đào tạo, chấp nhận đầu tư, tham gia xây dựng chương trình, hướng dẫn thực tập…
Chú trọng "những gì thị trường sẽ cần" Trong khi đó, một đại biểu đề xuất giáo dục nghề nghiệp phải đổi mới, gắn kết với doanh nghiệp, chuyển đổi từ "những gì thị trường cần" sang "những gì thị trường sẽ cần", chú trọng kỹ năng mềm. Trường ĐH cũng cần mở rộng liên kết với doanh nghiệp cũng như các trường ĐH quốc tế để xây dựng các phòng thí nghiệm hiện đại. |
Theo tuoitre