Tỷ lệ thất nghiệp ở Đức giảm nhanh trong những năm qua và đang hướng về mức 3%, khiến tình trạng khan hiếm lao động càng trầm trọng.
Đơn hàng nhiều nhưng thiếu nhân sựHerbert Striebich là chủ một công ty vận tải hàng hóa gần ở thị trấn Rastatt, Tây Nam nước Đức nhưng gần đây, công việc kinh doanh của ông gặp phải một vấn đề đang ngày càng xuất hiện phổ biến: đơn hàng quá nhiều nhưng công nhân thì thiếu.
“Chúng tôi nhận được các cuộc gọi hàng ngày từ khách hàng nhưng tôi phải từ chối phục vụ. Hiện nay, tôi chỉ nhận các đơn hàng từ các khách hàng quen”, Striebich cho biết khi giải thích tình trạng thiếu hụt công nhân ở công ty ông.
Công ty ông cần ít nhất sáu nhân viên nhà kho và năm tài xế xe tải nhưng thị trường lao động địa phương đang căng cứng. “Bạn không thể tin được tuyển dụng công nhân khó đến nhường nào đâu”, Striebich than vãn. Ông ước tính ông có thể tăng doanh thu cho công ty thêm 15% nếu tìm được thêm nhân sự.
Striebich nói: “Chúng tôi không gặp vấn đề nào về nguồn vốn vay. Chúng tôi không gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng. Vấn đề duy nhất của chúng tôi là nhân sự”.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà kinh tế trên khắp đất nước Đức cũng bày tỏ các phàn nàn tương tự. Họ cảnh báo rằng tình trạng khan hiếm công nhân lành nghề giờ đây phổ biến đến nổi có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Đức.
Ảnh minh họa
Các công ty nhỏ và các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ truyền thống, cũng như các bệnh viện nằm trong số những doanh nghiệp Đức bị tác động nặng nề nhất bởi tình trạng khan hiếm lao động. Tình hình khan hiếm lao động càng đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực công nghiệp nặng ở miền Nam nước Đức, nơi tỷ lệ thất nghiệp dân địa phương ở mức thấp chỉ 1-2%.
“Chúng tôi đã tiến hành khảo sát các công ty thành viên của chúng tôi hồi tháng 5 và 60% nói rằng họ xem tình trạng thiếu lao động lành nghề là một rủi ro cho công việc kinh doanh của họ. Đó là vấn đề đáng lo ngại nhất”, theo Wolfgang Grenke, chủ tịch Phòng Thương mại thành phố Karlsruhe ở miền Nam nước Đức, nơi có tỷ lệ thất nghiệp chỉ 2,8%.
Theo số liệu chính thức, có khoảng 1,2 triệu việc làm chưa tuyển dụng được ở khắp nền kinh tế Đức. Trong số này, có khoảng 440.000 vị trí không thể đáp ứng bởi người lao động Đức, theo Viện Kinh tế Đức (IW).
Alexander Burstedde, nhà kinh tế về lao động ở IW, ước tính tình trạng thiếu hụt lao động gây tổn hại cho nền kinh tế Đức ít nhất 30 tỉ euro mỗi năm và con số này chắc chắn tiếp tục tăng lên trong tương lai gần. “Tình hình đã quá tệ nhưng bạn phải nhớ rằng thế hệ công nhân lớn tuổi bắt đầu về hưu và điều này sẽ tạo ra thêm một vết khuyết nữa trong lực lượng lao động”, ông nói.
Giống như hầu hết các chuyên gia kinh tế, ông Burstedde cho rằng giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động đòi hỏi một loạt biện pháp từ việc nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động hiện tại cho đến tìm kiếm lao động lành nghề từ nước ngoài.
Chuẩn bị luật mới để thu hút lao động bên ngoài EU
Để khắc phục vấn đề này, chính phủ Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bắt tay thúc đẩy một giải pháp hiển nhiên nhưng gây tranh cãi về mặt chính trị: thuê thêm nhiều lao động nước ngoài từ các nước ngoài EU. Chính phủ Đức đang soạn thảo một dự luật nhập cư mới nhằm thu hút lao động lành nghề nước ngoài đến Đức làm việc. Các quan chức chính phủ Đức hy vọng sẽ giới thiệu dự luật này ra Quốc hội vào cuối năm nay.
Một báo cáo gần đây về dự luật này chỉ ra rằng: “Tình trang thiếu hụt lao động chất lượng nổi lên như là một rủi ro lớn đối với nền kinh tế Đức”. Báo cáo này lập luận rằng nguồn cung lao động Đức và EU không đủ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước.
“Vậy nên, chúng ta phải cần phải thành công hơn nữa trong nỗ lực thu hút lao động chất lượng từ các nước thứ ba”, báo cáo kết luận.
Berlin sốt sắng nhấn mạnh rằng kế hoạch thu hút thêm lao động lành nghề từ nước ngoài không liên quan gì đến cuộc tranh cãi chính trị dai dẳng bấy lâu này xung quanh vấn đề tị nạn và chính sách đối với người tị nạn nước ngoài. Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo của bà Merkel đã nhiều lần khẳng định rõ luật mới không được tạo ra bất kỳ sự khuyến khích cho nhiều người tị nạn và người nhập cư thiếu kỹ năng lao động muốn đến Đức.
Mối lo lắng này xuất phát từ những cơn chấn động chính trị xảy ra trong cuộc khủng hoảng nhập cư giai đoạn 2015-2016 khi Đức tiếp nhận hơn một triệu người nhập cư từ các nước đang có nội chiến như Syria, Afghanistan và Iraq. Làn sóng người tị nạn đến Đức dẫn đến những phản đối chính trị và thúc đẩy sự trỗi dậy của đảng cực hữu, sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD). Trong những năm sau đó, các lãnh đạo chính trị Đức chịu sức ép ngày càng lớn trong việc cắt giảm lượng người tị nạn đến Đức và đẩy nhanh tiến trình trục xuất những người xin tị nạn không thành công.
Đảng AfD đang dẫn đầu chiến dịch công kích chống lại dự luật nhập cư mới. Alice Weidel, lãnh đạo của đảng AfD tại hạ viện Đức, chỉ trích kế hoạch thu hút lao động nước ngoài sẽ làm phức tạp thêm vấn đề nhập cư thay vì kiểm soát nó và cho phép “phá giá tiền lương”, gây thiệt hại cho các công nhân Đức.
Giới doanh nghiệp hoan nghênh lao động nhập cư
Các tổ chức đại diện cho giới doanh nghiệp và liên đoàn chủ sử dụng lao động Đức (BDA) hoan nghênh dự luật nhập cư mới. Họ cho rằng dù cơ chế pháp lý nhập cư hiện nay giúp tuyển dụng tương đối dễ dàng các sinh viên tốt nghiệp các trường đại học danh giá ở các nước bên ngoài châu Âu với mức lương cao, nhưng rất khó để đưa đến Đức những công nhân lành nghề, loại hình lao động mà các doanh nghiệp Đức cần với số lượng lớn.
Một rào cản lớn đối với các công ty Đức hiện nay là họ chỉ được phép tuyển dụng công nhân lành nghề từ các nước thứ ba ngoài EU, nếu chứng minh được rằng không có lao động trong nước cho các vị trí công nhân mà họ đang thiếu. Một khó khăn khác nữa là họ chỉ được phép tuyển dụng công nhân nước ngoài ở những lĩnh vực việc làm được chính thức công nhận đang thiếu hụt lao động. Theo dự luật mới, cả hai rào cản này sẽ được xóa bỏ vì tình trạng thiếu hụt công nhân lành nghề ở Đức không còn là vấn đề xuất hiện lẻ tẻ trong vài lĩnh vực.
“Đây từng là vấn đề chỉ xảy ra đối với các ngành nghề có chuyên môn cao chẳng hạn như kỹ thuật và khoa học máy tính. Hiện nay, đây là vấn đề rộng lớn hơn nhiều, ảnh hưởng đến các những ngành nghề không cần học thuật cao”, Alexander Burstedde, nhà kinh tế về lao động ở Viện Kinh tế Đức (IW), nói.
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn