Nhiều tháng qua, tiệm bánh kẹo 98 năm tuổi Klavon's Ice Cream ở Pittsburgh (Mỹ) không thể tìm được nhân viên dù việc kinh doanh đang hồi phục sau một năm "đóng băng" vì đại dịch, theo Washington Post.

Do đó, ông chủ Jacob Hanchar quyết định tăng gấp đôi mức lương khởi điểm cho vị trí người gom rác, từ 7,25 USD/giờ lên 15 USD/giờ. Chỉ trong một tuần, cửa hàng tiếp nhận hơn 1.000 đơn xin ứng tuyển.

                                                    Nhiều nhà hàng ở Mỹ rơi vào cảnh khan hiếm nhân lực, dù chuẩn bị hoạt động trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.


Nhiều doanh nghiệp khác gặp tình trạng thiếu nhân viên cũng làm theo Hanchar và đạt được kết quả tương tự.

Washington Post cho biết các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống và sản xuất đang rơi vào cảnh khan hiếm nhân lực ở các vị trí có mức lương thấp.

Vấn đề này càng thêm cấp bách khi nền kinh tế Mỹ vẫn giảm hơn 7,5 triệu việc làm so với trước dịch, dù các ca nhiễm Covid-19 giảm mạnh.

Tăng lương gấp đôi


Các nhà chức trách và chuyên gia xứ cờ hoa lý giải tình trạng thiếu hụt nhân lực trên bằng vấn đề trợ cấp thất nghiệp, nhiều trường học chưa mở cửa, lo ngại dịch bệnh ở môi trường làm việc...

Bên cạnh đó, 12 chủ doanh nghiệp được Washington Post phỏng vấn tiết lộ thêm mức lương trung bình thấp cũng khiến người lao động chán nản, không muốn ứng tuyển.

9 nhà hàng trong số đó đã tăng lương lên ít nhất 15 USD/giờ kể từ tháng 3, số còn lại bắt đầu áp dụng phương án này vào năm ngoái.

Patrick Whalen cho biết sau khi tăng mức lương tối thiểu lên 15 USD/giờ, khoảng 50-60% vị trí trống tại các nhà hàng thuộc công ty 5th Street Group do anh đồng sở hữu nhanh chóng được lấp đầy.


Patrick Whalen, đồng sở hữu 5th Street Group, người điều hành 5 nhà hàng ở Charleston và Charlotte, là một trong số đó.

Tháng 3 vừa qua, các nhà hàng dần đông đúc trở lại khi ngày càng nhiều khách hàng đổ tới dùng bữa khi tình hình dịch bệnh khá hơn. Tuy nhiên, nhà hàng lại không thể chiêu mộ nhân viên ở hàng chục vị trí, dẫn tới hiệu quả hoạt động kém.

Trước tình cảnh đó, Whalen đề nghị xem xét lại mức lương mà công ty đề ra. "Khoảnh khắc ấy, tôi tự hỏi: 'Đây có phải vấn đề trong ngành dịch vụ ăn uống hay không?'. Tôi nhận ra điều này luôn ở đó, chỉ là chưa ai đưa ra giải pháp nào".

Công ty tăng mức lương khởi điểm cho tất cả nhân viên lên 15 USD/giờ, thêm tiền boa cho họ. Điều này giúp các lao động ở vị trí phụ bếp, rửa bát tăng thu nhập mỗi giờ lên gần 23,8 USD.

Chỉ sau một đêm, hàng loạt ứng viên đổ về công ty nơi Whalen làm việc. Một quản lý tại nhà hàng trực thuộc cho anh biết rằng họ tiếp nhận 10 hồ sơ trong vòng một tuần sau khi thay đổi chính sách lương thưởng, so với mức 15 người trong suốt 4 tháng trước.

Aaron Diding, đầu bếp cao cấp tại Whalen's 5Church Charlotte, sự thay đổi về lương thưởng giúp anh kiếm được khoảng 1.000 USD/tháng, mức tăng lớn nhất mà anh nhận được sau 20 năm làm việc trong ngành.

"Chính sách mới giúp mọi người có cuộc sống tốt hơn, có động lực làm việc hơn rất nhiều", anh nói.

Đầu tư vào con người


Chia sẻ với Washington Post, hầu hết doanh nghiệp đều thừa nhận thách thức đến từ quyết định tăng lương cho người lao động.

3 trong 12 công ty được phỏng vấn cho biết họ phải tăng giá món ăn để bù đắp cho việc tăng lương.

Nhà hàng White Castle đã tăng giá thực đơn ở khu vực Detroit sau khi nâng mức lương tối thiểu lên 15 USD/giờ. Nhiều nhà hàng khác cũng giải quyết theo cách tương tự.

Nicole Marquis, người sáng lập và giám đốc điều hành nhà hàng chay bình dân HipCityVeg, lại vẫn giữ nguyên giá cả.

Cô cho biết nhiều khách hàng chủ động trả thêm cho mỗi món, ví dụ thêm 25 cent cho một chiếc bánh mì kẹp, khi biết nhân viên ở đây được tăng lương.

                            Whalen cho biết mức lương ổn định giúp các nhân viên chuyên tâm làm việc hơn, đem đến dịch vụ tốt và hiệu quả kinh doanh khả quan.


Với Gina Schaefer, người điều hành chuỗi cửa hàng A Few Cool Hardware Store, việc tăng lương buộc công ty cô phải cắt giảm bớt giờ làm và một số vị trí nhân viên thời vụ.

Dù vậy, phương án này giúp cô lấp đầy 71 vị trí nhân viên toàn thời gian còn trống từ tháng 3 năm nay. "Chúng tôi đang khá thành công", cô nói.

Nhiều doanh nghiệp cho biết tăng lương cho nhân viên không có nghĩa lợi nhuận bị giảm sút.

Whalen cho biết kể từ khi áp dụng chính sách thù lao mới, doanh số bán hàng cũng tăng lên đáng kể và chiếm tỷ trọng lớn. Ngoài ra, chuỗi nhà hàng do công ty quản lý cũng nhận được đánh giá tích cực từ khách hàng trên các trang web đặt bàn.

Anh cho biết nhờ được trả lương tốt hơn, các nhân viên có thể yên tâm làm việc với thái độ tích cực và chiếm được tình cảm của khách hàng.

"Cách tiết kiệm tiền tốt nhất là kiếm nhiều tiền hơn. Để làm vậy, chúng tôi cần đầu tư vào con người trước", anh trả lời.

Theo Zing