Nhật Bản sẽ cần hơn 500.000 lao động nước ngoài để bù đắp thiếu hụt nhân lực
Cập nhật lúc 19:45, Thứ bảy, 14/07/2018 (GMT+7)
Hãng tin Kyodo đưa tin Nhật Bản có kế hoạch đến hết năm tài chính 2025 tiếp nhận hơn 500.000 lao động người nước ngoài nhằm bù đắp nhân lực thiếu hụt trong các ngành như nông nghiệp và xây dựng ở nước này.
Công nhân lắp ráp TV Panasonic ở Utsunomiya, cách Tokyo 100 km về phía bắc
Đây là một phần nội dung chính sách kinh tế mới, dự kiến được công bố và thảo luận ở các cấp trong tháng 6 tới, trước khi trình Quốc hội Nhật Bản vào mùa Thu năm nay.
Theo kế hoạch trên, lao động nước ngoài sẽ được cấp thị thực lao động tại Nhật Bản trong 5 năm để làm việc trong 5 ngành: nông nghiệp, xây dựng, kỹ nghệ, hộ lý và đóng tàu. Đối tượng được tuyển dụng phải đạt yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ và tiếng Nhật Bản thông qua các bài kiểm tra. Những đối tượng đã tham gia chương trình đào tạo nước ngoài của Nhật Bản sẽ được miễn các bài kiểm tra này và có thể được cấp thị thực lao động tối đa 10 năm.
Lâu nay Nhật Bản vẫn duy trì chính sách hạn chế lao động người nước ngoài do lo ngại những vấn đề liên quan dòng người nhập cư gia tăng. Đây chính là nguyên nhân giới chức Nhật Bản giới hạn việc cấp thị thực lao động tối đa 5 năm đối với lao động là người nước ngoài, cũng như quy định người lao động nước ngoài không được mang theo thân nhân đến Nhật Bản.
Ngoài ra, giới chức Nhật Bản sẽ yêu cầu các công ty thuê lao động nước ngoài đưa ra kế hoạch hỗ trợ người lao động tìm nhà và tham gia các khóa học ngôn ngữ. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ được phép yêu cầu hỗ trợ từ một tổ chức của chính phủ.
Theo hãng Kyodo, số người nước ngoài đến Nhật Bản làm việc trong năm 2017 là 1,28 triệu người, tăng hơn gấp 2 lần so với năm 2008. Gần 1/3 trong số đó, tức 29% là lao động từ Trung Quốc, khoảng 19% là người Việt Nam, tiếp đó là Philippines (12%), Brazil (9%) và Nepal (5%).
Kết quả khảo sát do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản thực hiện hồi tháng 3 cho thấy Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng sau khi lực lượng lao động được sinh ra sau thời kỳ chiến tranh nghỉ hưu.
Theo Dân trí