leftcenterrightdel
 Nhóm lao động Việt Nam theo diện visa E-9 vừa nhập cảnh vào Hàn Quốc

Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam. Trong những năm qua, số lượng lao động Việt Nam đến 2 quốc gia này làm việc liên tục tăng cao. Tuy vậy, cả Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn đang nỗ lực để thu hút lao động nước ngoài đến làm việc nhằm giải bài toán thiếu nhân lực đang ngày một trầm trọng.

Tăng thời gian làm việc

Ông Phạm Minh Đức, Trưởng Văn phòng Quản lý Lao động theo chương trình cấp phép tuyển dụng lao động nước ngoài (EPS), cho biết người lao động (NLĐ) diện visa E-9 (diện visa dành cho lao động phổ thông tại Hàn) đang làm việc tại Hàn Quốc có khả năng trở thành nhân lực nước ngoài chuẩn lành nghề khi đáp ứng đủ các điều kiện về thời gian làm việc, tay nghề và trình độ tiếng Hàn. Theo đó, NLĐ nước ngoài đến Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS sẽ được nâng thời gian cư trú từ 4 năm 10 tháng như hiện nay lên thành 10 năm.

Mới đây, Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp - Lương thực và Nông thôn Hàn Quốc cho biết chính phủ nước này sẽ sửa đổi một sắc lệnh thực thi để nâng thời hạn của thị thực lao động thời vụ thêm 3 tháng. Như vậy, NLĐ thời vụ sẽ được làm việc từ 5 tháng lên thành 8 tháng. Sắc lệnh này sẽ áp dụng đối với những lao động thời vụ đang làm việc tại Hàn Quốc cũng như những lao động thời vụ nước ngoài chuẩn bị đến Hàn Quốc.

Việc nâng thời hạn lưu trú cho lao động nước ngoài làm thời vụ là nỗ lực nhằm giải quyết những khó khăn thiếu lao động mà nông dân và ngư dân các địa phương Hàn Quốc đang gặp phải. Ngoài tăng thời gian làm việc, Hàn Quốc cũng mở rộng ngành nghề cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài.

Những ngành nghề đó là thu gom vận chuyển, xử lý chất thải, tái chế nguyên liệu; môi giới nguyên liệu thực phẩm, thuốc lá; buôn thực phẩm tươi sống, chế biến sẵn; kinh doanh xử lý hàng hóa đường không và đường bộ. Ngoài ra, Hàn Quốc còn quy định doanh nghiệp (DN) dưới 5 lao động thuộc ngành nông nghiệp và ngư nghiệp bắt buộc phải đóng bảo hiểm an toàn lao động cho NLĐ nước ngoài. DN dưới 50 lao động được tuyển tăng thêm 20% tổng số lao động nước ngoài.

Nói về tiềm năng và cơ hội cho NLĐ Việt Nam tại Hàn Quốc, ông Jin Jong-sang - Giám đốc Trung tâm Tư vấn hỗ trợ lao động nước ngoài thành phố Changwon, tỉnh Gyeongsangnam - nhận xét hầu hết lao động người Việt Nam đều chăm chỉ, thật thà và chất phác. Do vậy, các chủ DN Hàn Quốc rất tin tưởng và sử dụng nhiều lao động Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề lao động bất hợp pháp vẫn còn phức tạp, cần được quan tâm và giải quyết triệt để.

Nhật Bản mở cửa vĩnh trú

Mới đây, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết Chính phủ Nhật Bản đã sửa đổi mở rộng lĩnh vực tiếp nhận lao động nước ngoài theo chương trình kỹ năng đặc định (KNĐĐ) số 2 thêm 9 ngành nghề. Đó là nông nghiệp, hàng không, sản xuất công nghệ, sản xuất thực phẩm và đồ uống, dịch vụ thực phẩm, vệ sinh tòa nhà, khách sạn, đánh bắt cá và bảo dưỡng ôtô. Theo luật hiện tại, chỉ những NLĐ tay nghề cao trong lĩnh vực xây dựng và đóng tàu mới có thể nâng cấp tư cách lưu trú của họ lên thị thực KNĐĐ số 2.

Đây là thị thực lao động mà NLĐ nước ngoài được làm việc lâu dài và được bảo lãnh cho người thân, gia đình sang Nhật Bản sinh sống cùng. Bản sửa đổi được công bố ngày 9-6 vừa qua và dự kiến được áp dụng từ mùa thu năm nay. NLĐ nước ngoài theo thị thực KNĐĐ số 1 có thể nộp đơn xin nâng cấp lên KNĐĐ số 2 nếu họ vượt qua các kỳ thi về tiếng Nhật và kỹ năng kỹ thuật.

Tính đến cuối năm ngoái, số lượng NLĐ nước ngoài đạt được thị thực KNĐĐ số 1 là khoảng 130.000 người, trong đó nhiều nhất là công dân Việt Nam với 77.000 người. Đây là nỗ lực mới nhất của Chính phủ Nhật Bản nhằm thu hút và giữ chân lao động nước ngoài có kỹ năng trong dài hạn bằng cách cải thiện các điều kiện thị thực. Chính sách mới này khi chính thức được áp dụng sẽ giúp lao động Việt Nam có cơ hội tiếp tục làm việc lâu dài tại Nhật. NLĐ đi theo chương trình KNĐĐ số 2 tương đương với trình độ tay nghề cao hơn nên mức thu nhập và các chế độ phúc lợi xã hội sẽ cao hơn.

Ông Koichi Takenaka, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hondaplus Việt Nam, cho biết Nhật Bản đang nỗ lực để trở thành "điểm đến hấp dẫn để làm việc dành cho lao động nước ngoài". Vấn đề bây giờ của Nhật Bản không phải là tìm cách thu hút lao động nước ngoài đến làm việc trong những ngành nghề không tuyển dụng được nhân công, mà là tạo ra các điều kiện hấp dẫn đối với họ. Ông cho rằng chính sách mới là một sự thay đổi lớn và là một bước khởi đầu toàn diện cho phép nhiều lao động nước ngoài cư trú lâu dài ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo ông Takenaka, lao động nhập cư sẽ đến những nơi có mức lương cao và Nhật Bản sẽ thua trong cuộc cạnh tranh mời gọi lao động nước ngoài trừ khi nền kinh tế phục hồi và DN tăng lương. Tiền lương của lao động có tay nghề cao ở Nhật Bản vẫn có khoảng cách với các thành viên khác trong nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và thậm chí là một số quốc gia châu Á.

Theo nld