Cụ thể, 21% nhân viên cảm thấy không hài lòng về công việc, 35% cho rằng mọi thứ được cải thiện tốt hơn sau giai đoạn dịch bệnh căng thẳng. Tuy nhiên, vẫn có 20% thấy việc làm của mình vẫn bị đại dịch tác động một cách tiêu cực, Independent dẫn nghiên cứu của Aviva.

44% số nhân viên được hỏi cho biết bị quá tải, cảm thấy không khi nào có thể hoàn thành hết công việc. 40% cảm thấy lo lắng về tình trạng kiệt sức do phải làm việc quá nhiều.

                                                                                        Nhân viên tại Anh phản hồi tiêu cực về công việc trong bối cảnh đại dịch. Ảnh: Independent.


Nghiên cứu của Aviva cũng chỉ ra thời gian làm việc trung bình của mỗi nhân viên đã tăng gần 25% kể từ khi làm việc tại nhà. Họ nghỉ trưa ngắn hơn, sẵn sàng làm việc lúc ốm và để công việc lấn sang thời gian cá nhân.

Tình trạng nêu trên phần nhiều xảy ra ở phụ nữ. Theo đó, có đến 46% nhân viên nữ được hỏi đã phản ánh sự lo ngại về nguy cơ kiệt sức liên quan đến công việc. Trong khi đó tỷ lệ này ở nam giới là 35%.

Nhiều nhân viên nữ cho rằng cuộc sống khó khăn hơn trong 6 tháng qua khi phải làm việc tại nhà. Họ cảm thấy công việc áp lực và không cho phép mình dành thời gian cho bản thân.

Cũng theo khảo sát, 44% nhân viên nữ khẳng định có năng suất tốt nhất khi được làm việc tối thiểu 3 ngày/tuần tại văn phòng. Tỷ lệ này ở nam giới là 52%.


                                                                                            Phụ nữ chịu nhiều áp lực công việc hơn nam giới khi làm việc tại nhà. Ảnh: Bloomberg.


Theo Independent, Aviva cảnh báo trong thời gian tới khi các văn phòng mở cửa làm việc trở lại, nhà quản lý cần có sự quan tâm khác biệt giữa nhân viên nữ và nam bởi phụ nữ đang phải chịu nhiều áp lực hơn.

Debbie Bullock, Giám đốc phúc lợi tại Aviva, cho biết: “Sau thời gian dài giãn cách xã hội, nhân viên dường như đã quen khi làm việc tại nhà. Để khuyến khích họ quay trở lại văn phòng, người quản lý phải đảm bảo nơi làm việc sẽ là địa điểm để mọi người cùng cộng tác vui vẻ, cố vấn cho nhau và giao lưu để xây dựng lại các mối quan hệ.

Điều cực kỳ quan trọng là phải đối xử khác biệt giữa từng cá nhân, không nên tạo ra một chế độ chung cho cả tập thể. Đại dịch có thể là một biến cố cho tất cả, nhưng tác động của nó đến từng người là khác nhau. Đặc biệt là phụ nữ, họ đã phải chịu nhiều áp lực khi ranh giới giữa công việc và cá nhân bị xoá nhoà trong giai đoạn giãn cách xã hội”.

Theo Zing