Chấp nhận thay đổi và tiếp cận cái mới
Từ bé đã yêu thích vẽ tranh, yêu cái đẹp nên năm lớp 11 Vũ Mai Anh (hiện 24 tuổi, làm việc tại TP.Hà Nội) đã mày mò học trang điểm qua mạng và kiếm được tiền từ công việc này. Gắn bó 6 năm với nghề trang điểm và có thu nhập tốt nhưng đến năm 2020 Mai Anh vẫn quyết định chuyển nghề.
Mai Anh cho biết ban đầu làm việc vì yêu thích nhưng sau đó nhận thấy bản thân không muốn phát triển cao hơn với nghề này nên đã lên kế hoạch tiếp cận công việc mới. Trước khi có ý định thay đổi công việc, Mai Anh xem xét lại các thế mạnh của bản thân. Từng là học sinh chuyên Anh của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Mai Anh bắt đầu từ xuất phát điểm này, và dành thời gian rèn luyện lại khả năng tiếng Anh. Sau nhiều nỗ lực, đến tháng 3.2021 Mai Anh đạt 8.0 IELTS, cùng với việc hoàn thành chứng chỉ giảng dạy quốc tế Tesol. Hiện tại cô là người sáng lập của một trung tâm dạy tiếng Anh có tiếng tại Hà Nội.
Từ bỏ công việc PT (huấn luyện viên thể hình) với thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/tháng, Lê Văn Trọng (25 tuổi), ngụ Q.7, TP.HCM, đã chuyển hướng sang kinh doanh dịch vụ làm nail.
"Trong quá trình tìm hiểu thị trường, mình nhận thấy sau dịch Covid-19 có rất nhiều tiệm nail phải đóng cửa. Và ở nước ta ngành này vẫn chưa phát triển, đa số các tiệm nail ở TP.HCM hoạt động với quy mô nhỏ, vì vậy mình nghĩ bản thân sẽ có cơ hội trong lĩnh vực này", Trọng chia sẻ.
Dù làm công việc hoàn toàn mới, nhưng bằng quyết tâm cao độ, Trọng đã đưa cửa hàng của mình vào hoạt động một cách trơn tru và thu hút nhiều khách hàng. Sau khi mở tiệm nail vào tháng 5.2022, đến tháng 9.2022 chàng trai này tiếp tục phát triển thêm chi nhánh 2, đẩy mạnh thêm dịch vụ spa chăm sóc sắc đẹp. Hiện doanh thu của mỗi chi nhánh từ 250 - 300 triệu đồng/tháng.
Bí quyết để thành công khi chuyển nghề
Để thu hút được lượng khách hàng lớn dù chỉ mới bắt đầu, Trọng chia sẻ: "Yếu tố để thu hút khách hàng là đặt mình vào tâm thế của họ, luôn mong muốn mỗi khách hàng đến tiệm đều có trải nghiệm tốt nhất. Mình luôn cố gắng đầu tư về không gian, tiệm lúc nào cũng có rất nhiều cây xanh; khách tới làm nail được gội đầu, ăn bánh và uống nước dừa miễn phí".
Đồng thời, Trọng lưu ý: "Trước khi các bạn muốn chuyển ngành sang một lĩnh vực khác, mà đặc biệt là kinh doanh, thì đầu tiên phải tìm hiểu thật kỹ thị trường và tệp khách hàng mà mình hướng đến. Tiếp sau đó là lên kế hoạch rõ ràng, cụ thể cho dự án, khi hoàn thiện thì phải lắng nghe ý kiến đóng góp từ khách hàng để nâng cao chất lượng dịch vụ. Luôn tìm kiếm cái mới để khách hàng có những trải nghiệm dịch vụ tốt hơn và cuối cùng là kiên trì, dù có khó khăn như thế nào cũng không được bỏ cuộc".
Còn theo Mai Anh thì: "Những bạn trẻ trước khi chuyển nghề cần cân nhắc khi chọn công việc mới thì sẽ mất cái gì ở công việc cũ và ngược lại, có sẵn sàng bỏ chi phí, cơ hội để chinh phục mục tiêu mới hay không. Luôn chừa cho bản thân một phương án dự phòng, cơ hội để quay lại công việc cũ nếu như không thành công ở công việc mới", Mai Anh chia sẻ.
Cũng theo cô, mỗi người trẻ nên có cho mình quỹ dự phòng chi phí sinh hoạt ít nhất là 6 tháng để đề phòng rủi ro trong quá trình tìm việc mới. Khi bắt đầu với cái mới và nhận thấy bản thân phù hợp thì phải đi thật nhanh. Không nên làm nhiều công việc cùng một lúc, vì như thế sẽ khó thành công được.
Đừng để bản thân… hết hạn sử dụng
PGS-TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết chúng ta đang sống trong một thế giới với rất nhiều bất định, nhu cầu thị trường công việc có thể thay đổi rất nhanh. Những kỹ năng làm việc có vòng đời ngắn hơn và để thích ứng, người trẻ bắt buộc phải trang bị cho mình không chỉ những kiến thức chuyên môn sâu của một ngành mà còn phải có các kỹ năng mềm để thích nghi và tồn tại.
"Người trẻ phải đề ra yêu cầu cho chính mình là học một ngành nhưng khi ra trường có thể làm việc được ở nhiều vị trí khác nhau. Và để hoàn thành tốt nhiệm vụ ở bất kỳ vị trí công việc nào, chúng ta cũng cần phải tự rèn luyện và cập nhật kiến thức từ nhiều ngành để có thể tồn tại và không bị "hết hạn sử dụng". Các bạn phải có tinh thần học tập suốt đời", PGS-TS Trần Thành Nam nhìn nhận.
Ông Nam cho rằng khi cảm thấy công việc không còn đem lại niềm vui hoặc những kỹ năng và sở thích của mình không còn phù hợp với yêu cầu của công việc hiện tại thì khi đó chính là lúc phải lắng lại và suy nghĩ thật kỹ về con đường phía trước của mình.
Theo Thanh niên