Chính phủ của Thủ tướng Sanna Marini đặt ra mục tiêu thu hút 50.000 người nhập cư theo diện việc làm đến Phần Lan vào năm 2030 và 250.000 vào năm 2050.
Thực hiện mục tiêu này trong hai năm 2020 và 2022, Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan đã triển khai chương trình tuyển dụng thí điểm mang tên Thúc đẩy Tài năng (Talent Boost programme) nhằm thu hút các chuyên gia và doanh nhân khởi nghiệp đến Phần Lan từ Thung lũng Silicon (Mỹ) và từ New Delhi (Ấn Độ). Tuy nhiên, kết quả không được như kỳ vọng và Bộ này đã thừa nhận rằng sức hấp dẫn của Phần Lan đối với các chuyên gia quốc tế có tay nghề cao cho đến nay là tương đối thấp.
Laura Lindeman, Giám đốc tuyển dụng của Business Phần Lan (cơ quan thúc đẩy thương mại, du lịch và đầu tư vào Phần Lan), một đơn vị thực hiện chương trình cho biết: "Phúc lợi Nhà nước không hấp dẫn các cư dân Thung lũng Silicon vì thuế và mức lương tương đối thấp. Họ không coi những điểm tốt, như chăm sóc sức khỏe và giáo dục công là yếu tố hấp dẫn.”
Việc thu hút người nhập cư theo diện việc làm chỉ thu hút được từ Ấn Độ. Đến nay, 5.800 người Ấn Độ đã được cấp giấy phép cư trú ở Phần Lan theo chương trình này. Hầu hết trong số họ là chuyên gia đặc biệt, và nhóm lớn thứ hai là sinh viên.
Từ thực tế đó, Phần Lan bắt đầu tập trung thu hút lao động từ ba quốc gia khác là Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam. “Đây là những nước có dân số đông, trình độ học vấn khá tốt và thực tế là Phần Lan quan tâm nguồn lao động của các nước này, ví dụ từ góc độ chất lượng cuộc sống và mức lương," Lindeman nói.
Business Finland đã tập trung phân tích và kết hợp dữ liệu về các quốc gia ưu tiên trên và sức hấp dẫn của Phần Lan trong mắt những người đã đến. Đối với Việt Nam, cơ quan phụ trách đánh giá: Việc ngày càng nhiều người Việt Nam sang Phần Lan sống, học tập và làm việc đã nói lên sự hấp dẫn của đất nước này với người Việt. Bên cạnh đó, danh tiếng của Phần Lan tại Việt Nam là rất tốt.
Theo số liệu của Cục thống kê quốc gia Phần Lan, cho đến cuối năm 2021, có 12,310 người Việt Nam ở Phần Lan (tăng 9,2% so với năm 2020). Kể từ khi những người Việt Nam đầu tiên đến định cư ở Phần Lan vào năm 1979 tới nay, đại bộ phận trong cộng đồng người Việt đã hội nhập tốt với cuộc sống và xã hội của đất nước sở tại.
Tháng 10/2022, trong buổi làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam, ông Keijo Norvanto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam cho biết Phần Lan đang thiếu lao động, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe... nên rất cần tuyển dụng lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.
Cùng với việc thu hút lao động có tay nghề, chính phủ Phần Lan cũng đang thúc đẩy việc thu hút sinh viên và học sinh trung học từ Việt Nam sang học tại các trường học ở Phần Lan. Được biết, tháng 12 tới Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam sẽ phối hợp với một số trường Đại học Phần Lan và Công ty du học tổ chức Hội thảo du học Phần Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, đến Phần Lan không phải lúc nào cũng dễ dàng. Theo Lindeman, Phần Lan đang tụt hậu so với các nước khác về thái độ, cách suy nghĩ và sự sẵn sàng tuyển dụng lao động từ nước ngoài. Còn theo một nghiên cứu của Tổ chức OECD về mức độ thu hút lao động có tay nghề, Phần Lan chỉ xếp thứ 18 trong số 35 quốc gia được khảo sát, sau các láng giềng Bắc Âu khác và cả Estonia.
"Hiện có một tâm trạng khác so với trước đây trong việc thúc đẩy việc nhập cư dựa trên việc làm. Tôi tin rằng khi tình trạng thiếu lao động có kỹ năng trở nên trầm trọng hơn, mọi người sẽ thay đổi quan niệm của mình để trở nên cởi mở hơn. Chúng ta có thể đạt được kết quả và không có lựa chọn nào khác," Katri Niskanen, chuyên gia từ Bộ Kinh tế và Lao động Phần Lan, nói.
Với diện tích tương đương Việt Nam, song dân số Phần Lan hiện chưa đến 5,6 triệu người, trong đó chỉ khoảng nửa triệu người có nguồn gốc nước ngoài, tương đương 8,5% dân số. Nếu ý tưởng về 1,3 triệu người nhập cư làm việc của ngành công nghệ trở thành hiện thực, thì khoảng một phần tư người dân trong nước sẽ có nguồn gốc nước ngoài.
Theo kinhtedothi