Giảm phí, hỗ trợ học viên tối đa

Nguyễn Công Vinh (sinh năm 2004, quê Tiền Giang) vừa tốt nghiệp THPT và có dự định sang Nhật Bản làm việc theo diện thực tập sinh. Vinh kỳ vọng sau chuyến đi sẽ có thêm kinh nghiệm, trình độ ngoại ngữ để khi về lại Việt Nam có thể kiếm được việc tại các công ty Nhật trong nước.

Ban đầu Vinh lo lắng không đủ tiền đóng phí dịch vụ để sang Nhật. Tuy vậy, khi lên TPHCM tìm hiểu các công ty cung ứng dịch vụ đưa người lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng thì mới bất ngờ là mức phí rất thấp, khác hẳn những gì nghe đồn ở quê. Cuối cùng, Vinh chọn tham gia chương trình thực tập sinh tại công ty có trụ sở ở Tân Bình vì mức phí dịch vụ rất rẻ.

Theo khảo sát của Dân trí, phí dịch vụ đưa lao động sang Nhật làm việc kể từ sau đợt giãn cách vì Covid-19 đã giảm rất sâu, hiện chỉ ở mức vài triệu đến vài chục triệu đồng, tùy thuộc vào loại hình đi, ngành nghề công việc và mức lương của người lao động tại Nhật.

Như tại Công ty TNHH Đào tạo, chuyển giao lao động và chuyên gia Suleco (Suleco EDU), mức phí dịch vụ chỉ từ 5 đến 45 triệu đồng. Tại công ty TNHH Esuhai, mức phí dịch vụ cho chương trình thực tập sinh 3 năm là từ 5 đến 42 triệu đồng.

Đặc biệt, tại công ty TNHH Esuhai, nếu học viên tham gia chương trình Thực tập sinh chăm sóc viên (Kaigo) thì chi phí còn thấp hơn nữa. Tham gia chương trình này, người lao động khi có tư cách lưu trú và đạt trình độ tiếng Nhật N4 sẽ được hoàn trả 100% phí đào tạo tiếng Nhật trong thời gian trước xuất cảnh.

Phí đi Nhật làm việc chỉ 5 triệu đồng, sao nhiều người mất hàng trăm triệu? - 1

Một buổi phỏng vấn thực tập sinh đi Nhật tại công ty Suleco EDU (Ảnh: CTV).

Theo bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Suleco EDU, hiện công ty áp dụng hình thức đào tạo miễn phí tiếng Nhật cơ bản cho người lao động có quan tâm đến việc đi Nhật, với thời gian học linh hoạt đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng (học trực tiếp cả ngày, nửa ngày; học online buổi tối…).

Ngoài ra, Suleco EDU có chính sách cho người lao động trả chậm chi phí sau khi sang Nhật, tặng học bổng cho học viên nghèo và linh động trong phương thức thanh toán để tạo thuận lợi cho người lao động mong muốn sang Nhật làm việc.

Phí đi Nhật sẽ còn giảm nữa

Theo ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc Esuhai Group, mức phí dịch vụ sang Nhật làm việc giảm mạnh so với trước không chỉ vì áp lực đồng Yên giảm giá mà còn là nhờ chính sách điều hành của nhà nước.

Cụ thể, theo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ban hành ngày 13/11/2020 (Luật 69/2020/QH14), từ tháng 1/2022, phí dịch vụ khi tham gia chương trình thực tập sinh tại Nhật chỉ là 1 tháng tiền lương cơ bản (không bao gồm tiền làm thêm giờ, tiền thưởng và các khoản trợ cấp khác) mà người lao động được trả cho 1 năm làm việc tại Nhật. Chương trình thực tập sinh 3 năm thì phí dịch vụ là 3 tháng tiền lương cơ bản.

Nhờ quy định này mà phí dịch vụ có mức trần, không phải doanh nghiệp muốn thu bao nhiêu cũng được. Đồng thời, mức thu phí dịch vụ dựa theo lương cơ bản của cũng giúp người lao động ít thiệt thòi hơn. Vì phí dịch vụ càng cao thì lương của người lao động càng cao.

Sau đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đàm phán với phía Nhật và họ đồng ý việc doanh nghiệp Nhật tiếp nhận lao động sẽ phải trả một phần phí dịch vụ này thay cho người lao động (với mức tối thiểu là 5.000 yên/tháng). Sau khi cấn trừ khoản này, phí dịch vụ mà người lao động phải trả còn thấp hơn quy định tại Luật 69/2020/QH14, chỉ ở mức vài triệu đến vài chục triệu đồng.

Phí đi Nhật làm việc chỉ 5 triệu đồng, sao nhiều người mất hàng trăm triệu? - 2

Phí dịch vụ giảm mạnh giúp lao động nghèo dễ tham gia các chương trình thực tập sinh tại Nhật (Ảnh minh họa: CTV).

Ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc Esuhai Group cho rằng: "Với mức phí dịch vụ giảm sâu như vậy sẽ phần nào giảm bớt gánh nặng về chi phí cho người lao động muốn đi Nhật làm việc".

Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Suleco EDU nhận định: "Mức phí giảm là xu thế tất yếu, không thể khác được. Đây cũng là giải pháp để sàng lọc thị trường, chỉ những doanh nghiệp có tâm huyết với nghề, làm ăn tử tế và định hướng lâu dài, đầu tư bài bản cho việc tuyển dụng, đào tạo mới có thể tồn tại. Tôi tin rằng mức phí sẽ còn giảm nữa trong tương lai".

Đồng thời, bà Mỹ Hạnh đánh giá việc phí dịch vụ giảm cùng những chính sách hỗ trợ học viên đã tác động rất tích cực, giúp thị trường đưa lao động sang Nhật khôi phục nhanh chóng. Tại Suleco EDU, vài tháng gần đây có rất nhiều người đăng ký tham gia.

Ông Lê Long Sơn cũng cho biết trong 2 tháng gần đây, tháng nào Esuhai cũng đưa 100 thực tập sinh sang Nhật làm việc.

Hỗ trợ lao động nghèo đi làm việc ở nước ngoài

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ có dự án 4 triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Trong dự án 4 có Tiểu dự án số 2 thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cụ thể, từ nay đến năm 2025, Tiểu dự án 2 sẽ huy động 570 tỷ đồng để hỗ trợ đưa người lao động sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Các hoạt động chính của tiểu dự án 2 là hỗ trợ hoạt động đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

Dự án hỗ trợ chi phí thực tế khóa học đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề; hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ tối đa 4.000.000 đồng/người/khóa học; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo 50.000 đồng/người/ngày; hỗ trợ tiền ở trong thời gian đào tạo 400.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ tiền đồ dùng cá nhân mức 600.000 đồng/người...

 

Theo dantri.com.vn