|
|
Người lao động Việt Nam lên đường đi làm việc tại Nhật Bản. Ảnh: NGÔ BÌNH |
Thị trường XKLĐ đang mở ra nhiều cơ hội cho cả lao động phổ thông và lao động chất lượng cao. Các thị trường thu hút nhiều NLĐ Việt Nam tới làm việc là Nhật Bản, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan…
Nhiều thị trường “khát” lao động
Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm Lao động ngoài nước (Colab, Bộ LĐTB-XH) liên tiếp thông báo các đợt xuất cảnh đưa NLĐ đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (chương trình EPS). Riêng trong hôm nay (13-2) và ngày mai (14-2), gần 300 NLĐ ở nhiều tỉnh, thành sẽ sang Hàn Quốc làm việc trong nhiều ngành nghề.
Song song đó, từ nay đến ngày 31-5, Colab triển khai tuyển chọn 80 ứng viên thực tập sinh hộ lý sang Nhật Bản (khóa 3, xuất cảnh năm 2023-2024). Tham gia chương trình, thực tập sinh sẽ thực tập tại các cơ sở chăm sóc y tế với mức lương khoảng 35 triệu đồng/người/tháng, chưa tính phụ cấp; được hỗ trợ toàn bộ chi phí đào tạo tiếng Nhật, khám sức khỏe, visa, vé máy bay…
Là đơn vị chuyên đào tạo, phái cử thực tập sinh, kỹ sư sang Nhật Bản làm việc, ông Nguyễn Xuân Lanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Esuhai, đánh giá, tình hình XKLĐ năm nay khởi sắc hơn các năm trước. Ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp ở nước ngoài liên tục liên lạc với công ty để đặt hàng tuyển dụng NLĐ.
Tương tự, ông Nguyễn Thế Đại, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc chi nhánh phía Nam Công ty CP XKLĐ - DVTM Biển Đông (Estrala) cũng cho hay, từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp ở nước ngoài đã cử người sang Việt Nam để trực tiếp phỏng vấn, tuyển chọn lao động thay vì tuyển trực tuyến như trước đây.
Đại diện Công ty TNHH Sen Đại Dương cũng nhận định, năm nay nhu cầu tuyển lao động ngoài nước của Nhật Bản tăng mạnh vì các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, kinh doanh để bù lại thiệt hại sau thời gian dịch bệnh. Thậm chí, đơn vị đã nhận được nhiều đơn hàng tuyển dụng số lượng lớn lao động nhưng không đáp ứng kịp nên phải xin đối tác gia hạn, kéo dài thời gian tuyển dụng.
Đẩy mạnh XKLĐ chất lượng cao
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab, Bộ LĐTB-XH) cho biết, ngoài các thị trường truyền thống tiếp nhận nhiều NLĐ Việt Nam hiện nay, chúng ta đang khai thác để tăng dần số lượng NLĐ Việt Nam đi làm việc tại một số nước châu Âu, Singapore; trao đổi, đàm phán với các nước để mở ra thị trường mới ở Australia và Israel…
|
|
Tư vấn lao động đi làm việc ở nước ngoài tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ |
Các đơn vị chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, tạo sự liên kết các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp để đào tạo, chuẩn bị nguồn lao động đáp ứng yêu cầu thị trường ngoài nước. Ông Nguyễn Gia Liêm đánh giá, bức tranh đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đang có nhiều thuận lợi hơn, có thể đạt được kế hoạch đưa 110.000 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài trong năm nay. Tín hiệu tích cực là tính đến ngày 20-1, đã có 21.000 NLĐ Việt Nam đi XKLĐ.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Bá Hoan, để thực hiện được mục tiêu năm 2023, cần tiếp tục giữ ổn định thị trường lao động truyền thống, từng bước mở rộng đối với những thị trường mới. Điểm quan trọng là cần khắc phục khó khăn, tháo gỡ vướng mắc về chính sách, tạo các thủ tục thông thoáng, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo hỗ trợ tốt cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, phải đào tạo để thúc đẩy xuất khẩu lao động chất lượng cao, có tay nghề, có trình độ. Theo thống kê, hiện nay 90% lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn là lao động phổ thông. Phân khúc lao động chất lượng cao mới chỉ chiếm khoảng 10%.
Các chuyên gia đánh giá, xu hướng tuyển dụng lao động chất lượng cao là xu thế của các nước trong những năm tới. Các đơn vị XKLĐ cũng đang chuyển hướng tích cực. Ông Nguyễn Xuân Lanh cho biết, Esuhai đang liên kết với các trường đại học, cao đẳng đào tạo nhân lực trình độ cao với mục tiêu năm nay sẽ đưa khoảng 2.500 kỹ sư, thực tập sinh đi làm việc tại Nhật Bản.
Còn ông Nguyễn Thế Đại cho hay, Công ty Estrala cũng tập trung phối hợp với các trường đại học, cao đẳng nghề tại TPHCM, Bến Tre, Bình Định để đào tạo nhân lực, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Những thị trường có nhu cầu tuyển lao động chất lượng cao, tay nghề cao trong năm 2023 là Australia, New Zealand và Canada, đang chạy đua thu hút lao động nước ngoài để đáp ứng nhu cầu phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19. Từ năm 2023, Việt Nam có thể đưa NLĐ sang Australia làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp với mức thu nhập 80 triệu đồng/tháng. Canada đang cần tuyển dụng 465.000 lao động nhập cư và tăng lên 485.000 người vào năm 2024, 500.000 người vào năm 2025.
NLĐ Việt Nam gửi về nước khoảng 10 tỷ USD/năm
Trong 10 năm qua, Việt Nam có hơn 1 triệu lượt NLĐ và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài, tăng 40% so với bình quân giai đoạn trước. Thu nhập NLĐ làm việc ở nước ngoài bình quân 200 triệu đồng người/năm, cao hơn nhiều so với làm việc trong nước. Bình quân mỗi năm NLĐ và chuyên gia gửi về nước khoảng 10 tỷ USD.
|
* Ông PHẠM MINH ĐỨC, Trưởng Văn phòng EPS tại Hàn Quốc:
Hàn Quốc có quy định cởi mở hơn
Trong năm 2023, Hàn Quốc có nhu cầu tuyển dụng khoảng 110.000 lao động nước ngoài do nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp đang rất cao để làm việc trong các lĩnh vực công, nông và ngư nghiệp. Để thu hút lao động nhập cảnh, Hàn Quốc vừa công bố cải tiến chế độ cấp phép tuyển dụng lao động nước ngoài (Chương trình EPS) mà Việt Nam là một trong 16 nước đang tham gia. Chính sách này có nhiều quy định cởi mở hơn: tăng cường hỗ trợ cư trú cho nhân lực nước ngoài, nới lỏng các điều kiện để NLĐ trong ngành đóng tàu sớm nhập cảnh Hàn Quốc. Đón bắt cơ hội này, năm nay Việt Nam dự kiến đưa khoảng 10.000 NLĐ sang làm việc tại Hàn Quốc.
* PGS-TS NGUYỄN ĐỨC LỘC, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội:
Tránh chạy theo số lượng
Những năm qua, chất lượng lao động xuất khẩu của Việt Nam tương đối thấp, chủ yếu làm việc phổ thông. Về lâu dài, cần có chiến lược để tránh trường hợp xuất khẩu NLĐ với số lượng lớn nhưng giá trị mang về không tương xứng với kỳ vọng. Trong đó, cần tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, có tay nghề. Khi tay nghề được nâng lên thì thu nhập của NLĐ cũng tăng theo.
Hơn nữa, sau thời gian XKLĐ, những NLĐ này sẽ đóng góp cho địa phương, bởi đã tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm, trở thành nguồn lao động chất lượng cao phục vụ phát triển đất nước.
* Ông TRẦN ANH TUẤN, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM:
NLĐ cần có “mục đích kép”
Việc gắn kết giữa các doanh nghiệp đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề cần được đẩy mạnh để chuẩn bị nguồn nhân lực đủ trình độ, tay nghề. Cùng với đó, NLĐ cần phải cải thiện trình độ ngoại ngữ, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng độc lập để đạt “mục đích kép” khi XKLĐ.
Bên cạnh mục đích XKLĐ để có thu nhập cao, NLĐ cần xác định thời gian làm việc ở nước ngoài là có hạn nên phải trau dồi nghề nghiệp, tiếp cận công nghệ, nghề nghiệp mới. Bởi, đây là môi trường lao động có thu nhập và là nơi hun đúc, rèn luyện tay nghề cho NLĐ để có năng lực về giá trị nghề nghiệp, đóng góp cho sự phát triển của đất nước sau thời gian làm việc ở nước ngoài.
* Ông NGUYỄN GIA LIÊM, Phó Cục trưởng Dolab:
Giám sát chi phí xuất khẩu lao động
Về chi phí đi XKLĐ đã được quy định trong luật. Các khoản chi phí của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài được các doanh nghiệp báo cáo đến Dolab khi đăng ký hợp đồng cung ứng lao động và được ghi rõ trong hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài ký giữa NLĐ với doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, Dolab sẽ cùng các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các khoản chi phí đi làm việc ở nước ngoài của NLĐ với các doanh nghiệp để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
|
Theo sggp