|
|
Trong ảnh: Lao động Việt Nam nhập cảnh tại sân bay Incheon (Hàn Quốc). (Ảnh: Anh Nguyên - PV TTXVN tại Hàn Quốc) |
Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là một trong những giải pháp đột phá trong giảm nghèo cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi lẽ, người lao động khi đi xuất khẩu lao động không chỉ có thu nhập tốt, thoát nghèo nhanh mà còn học hỏi được các kỹ năng, kiến thức để trở về quê hương lập nghiệp.
Nhiều 'đòn bẩy' hiệu quả
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết năm 2022 Chính phủ ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến chính sách hỗ trợ người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài theo “Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.”
Về phía Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 17/2022/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện nội dung về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động tại các tiểu dự án và nội dung thành phần thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Theo đó, người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, các thủ tục khi đi nước ngoài làm việc ở nước ngoài.
Bộ Tài chính ban hành Thông tư 15/2022/TT-BTC hướng dẫn các mức hỗ trợ cụ thể như: Đào tạo ngoại ngữ hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo 50.000 đồng/người/ngày; hỗ trợ tiền ở trong thời gian đào tạo 400.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ tiền trang cấp đồ dùng cá nhân (quần áo đồng phục, chăn, màn, giày dép…) ở mức 600.000 đồng/người.
Ngoài ra, người dân tộc thiểu số còn được hỗ trợ tiền đi lại (1 lượt đi và về) khi tham gia đào tạo với mức 200.000 đồng/người/khóa học đối với người lao động cư trú cách địa điểm đào tạo từ 15 km trở lên; mức 300.000 đồng/người/khóa học đối với người lao động cư trú tại các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, cách địa điểm đào tạo từ 10 km trở lên. Ngoài ra, chi phí khám sức khỏe trước khi đi làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ tối đa là 750.000 đồng/người.
Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc thiểu số khi đi làm việc ở nước ngoài còn được vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng chính sách xã hội.
Theo ông Nguyễn Gia Liêm, các chính sách hỗ trợ ngày càng đầy đủ, trong từng bước của quá trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đều có sự hỗ trợ của Nhà nước, điều này tạo nên một "bệ đỡ" cho đồng bào dân tộc thiểu số tự tin hơn khi quyết định đi xuất khẩu lao động.
Có của ăn, của để nhờ xuất khẩu lao động
Trên thực tế, những chính sách nói trên đã đi vào cuộc sống, tạo sức bật cho đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài. Tại xã La Pán Tẩn, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, nơi có tới gần 100% người dân là người dân tộc thiểu số, anh Triệu Phụ Thanh là một trong những người đầu tiên ở xã đi Hàn Quốc làm việc. Nhờ bản tính nhanh nhẹn, ham học hỏi, thạo tiếng nên đã có lúc thu nhập của anh Thành lên tới gần 70 triệu đồng/tháng trong thời gian làm việc ở xứ Kim chi.
Từ vốn liếng tích lũy trong gần 5 năm làm việc tại Hàn Quốc, anh Thanh đầu tư trồng 6 hecta quế ở quê nhà. Vườn quế của anh Thanh đến năm nay đã được 7 năm tuổi và chỉ ba năm nữa, ước giá trị của vườn lên tới hơn 3 tỷ đồng.
Nếu giờ này còn trông vào chỗ đất ruộng ít ỏi được lúc chia lúc lấy vợ thì cả nhà anh Thanh có lẽ vẫn là hộ nghèo. Anh chia sẻ: “Cuộc sống bây giờ đã khá giả, không còn nghèo đói như ngày trước. Tất cả là nhờ qua Hàn Quốc làm việc, ngoài tích lũy được vốn liếng, tôi còn học hỏi, ứng dụng được khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt khi về trở về quê lập nghiệp.”
|
|
Chị Ma Seo Mào chia sẻ về kế hoạch sang Hàn Quốc làm việc. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Cũng thoát nghèo nhanh chóng, thậm chí còn có cơ ngơi khiến nhiều người trong xã ngưỡng mộ nhờ gia đình có người đi làm việc ở Hàn Quốc, chị Ma Seo Mào (27 tuổi), người dân tộc Mông ở thôn Chợ Chậu, xã Lũng Vai, huyện Mường Khương chia sẻ: “Chồng tôi đã đi làm nông nghiệp tại Hàn Quốc được 4 năm. Mức lương khoảng 30-35 triệu đồng và nhờ tiết kiệm nên đã tích cóp được một khoản gửi về cho gia đình mua đất trồng keo, trồng chuối.”
Ngoài các giống cây trên, nhà chị Mào còn có hơn 3 vạn cây quế. Mỗi lần vào vụ, chị Mào phải thuê thêm 20-30 lao động giúp bón phân, tỉa cành. Khi việc trồng trọt đã đi vào ổn định, rừng trồng có thể thuê người chăm sóc, chị Mào bắt đầu kế hoạch sang Hàn Quốc làm việc cùng chồng.
Hồ hởi 'khoe' vừa thi đỗ tiếng Hàn để sang Hàn Quốc làm việc, chị Mào bảo: "Chồng tôi động viên đi xuất khẩu lao động không chỉ có thu nhập cao mà còn học được nhiều kiến thức bổ ích. Hai vợ chồng mong muốn sẽ làm việc ở nước ngoài thêm vài năm nữa, kiếm thêm ít vốn để mở rộng thêm sản xuất, trồng trọt.”
Chỉ một vài năm đi làm việc ở nước ngoài, những người dân tộc thiểu số tại huyện Mường Khương không chỉ thoát nghèo mà còn có của ăn, của để. Họ trở thành những tấm gương điển hình về phát triển kinh tế, thậm chí tạo thêm việc làm cho người dân địa phương nhờ xuất khẩu lao động. Nhờ những điển hình này, địa phương cũng ngày càng quan tâm đẩy mạnh đưa lao động đi xuất khẩu lao động, coi đây là một giải pháp tạo việc làm, sinh kế tốt cho người dân tộc thiểu số.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai cho biết địa phương này là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vì thế việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là nội dung được tỉnh rất quan tâm. Bởi vậy, Lào Cai đã cụ thể hóa các mục tiêu, chính sách hỗ trợ của “Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025” vào trong các kế hoạch đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài./.
Theo vietnamplus